Viết trong vùng dịch:

Khi cần chúng tôi sẽ là chiến sĩ

Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương không phải nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng là nơi đặc biệt bởi ở đó có gia đình và tại đây tôi đã gắn bó hơn chục năm với trẻ thơ. Mảnh đất vốn bình yên và hiền lành như hạt gạo, nay tất cả bị xáo trộn.

Các cô giáo tham gia lực lượng phòng, chống dịch.
Các cô giáo tham gia lực lượng phòng, chống dịch.

1/Ngày 5/10, năm thủy thủ người Minh Hòa đã cách ly tập trung ở tỉnh Long An trở về quê hương và được hướng dẫn cách ly tại nhà. Và từ ngày 9/10, các thủy thủ đều lần lượt có kết quả… dương tính với SARS-CoV-2. Phức tạp hơn, các ca bệnh đã lây nhiễm sang người thân là vợ, con, bố và kéo theo nhiều nguy cơ hậu quả lớn. Ngày 10/10, cháu Vũ Thị Tú Uyên mới có 2 tuổi nhiễm Covid-19 lây từ chú ruột dẫn tới toàn bộ lớp nhà trẻ nơi cháu học phải cách ly tập trung.

Trường học mầm non đã biến thành khu cách ly, lớp học thành phòng cách ly. Nụ cười hồn nhiên của con trẻ tạm vắng. Không chỉ dừng lại ở đó, rất nhiều học sinh tiểu học, trung học trở thành F1, F2. Cuộc sống của người dân quê tôi thật sự bị xáo trộn.

Ngay sau khi xuất hiện các ca nhiễm, hàng nghìn học sinh trong toàn xã được nghỉ học và chuyển sang học trực tuyến. Buổi sáng ngày 9/10 diễn ra việc lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ học sinh mầm non, học sinh khối tiểu học. Những đôi mắt vốn ngây thơ nay có phần e dè sợ hãi. Được sự trấn an của thầy cô, bố mẹ, có bạn dũng cảm vào lấy mẫu mà không hề sợ sệt. Nhưng có em òa khóc. Nhìn mà nao lòng.

Từ đây, chúng tôi và các học trò lại gặp nhau qua màn hình máy tính. Mỗi lần vào tiết học, chúng tôi không quên hỏi thăm sức khỏe, động viên các em và gia đình vượt qua khó khăn. Lớp tôi có em Bùi Thị Mai Linh có bố là lao động nước ngoài, mẹ đi cách ly tập trung, một mình em phải chăm lo cho hai em nhỏ. Buổi tối, cô điện thoại hỏi thăm, em vừa khóc vừa trả lời: Thưa cô, em trai em nhớ mẹ, quấy lắm cô ạ.

Khi cần chúng tôi sẽ là chiến sĩ -0
Kiểm tra thân nhiệt người dân trên địa bàn xã. 

2/Nhưng rồi, như có một sức mạnh vô hình, bọn trẻ cũng vượt qua. Người chị cả mới học lớp 5 đã chăm lo cho các em đầy đủ, vào học đúng giờ để mẹ yên lòng cách ly tập trung thật tốt. Hôm tôi và phụ huynh lớp mang ít sữa đến động viên, em ra lấy, nhưng cũng nghĩ cho cô nên lấy nhanh, chạy vào nhà và nói vọng ra: Thưa cô, em cảm ơn cô ạ!

Cảnh ấy cứ neo mãi trong tâm trí tôi, ám ảnh tôi trong những giấc ngủ chập chờn.

Cũng trong những ngày này, các thầy giáo, cô giáo như chúng tôi không chỉ là những người lái đò. Giáo viên chúng tôi tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh, rồi cho bà con nông dân trong xã. Nhiều hôm, số lượng mẫu nhiều, đến 12 giờ trưa mới trở về nhà, bụng đói cồn cào, ăn tạm gói mì pha sẵn và buổi chiều lại tiếp tục công việc dạy học sinh thân yêu. Vất vả nhưng chúng tôi luôn thấy vui vì được đóng góp cho địa phương nơi chúng tôi gắn bó. Tâm sự với bạn đồng nghiệp ít tuổi hơn trong trường, chưa có gia đình, em chia sẻ: Đi nhiều mệt nhưng em vui chị ạ. Nhìn thấy nhân dân lo lắng, em chỉ mong dịch bệnh qua đi để tiếng cười lại trở về nơi này chị ơi!

Và cứ như thế, chúng tôi đã trở thành người chiến sĩ trong trận chiến chống Covid.

Khó khăn xảy ra, thanh niên luôn đi đầu tham gia trực chốt, xung phong vào khu cách ly tập trung để phục vụ bà con. Nhiều người đã có gia đình nhưng chấp nhận xa vợ con để làm công việc chung nhằm nhanh chóng dập dịch. Nhiều em là sinh viên, hăng hái tham gia hỗ trợ xét nghiệm, không sợ lây bệnh. Một lần nói chuyện, tôi đã hỏi một em gái: “Đi thế này em có sợ không?”. Em nhìn tôi, rồi mỉm cười: “Chị ơi, em có sợ. Nhưng cái sợ ấy chẳng là gì so với an toàn của quê hương chị ạ”. Tôi nhìn em và tự đáy lòng mình tôi thật sự ngưỡng mộ em gái nhỏ.

Sau vài hôm vất vả dạy trò rồi tham gia nhiều hoạt động phòng, chống dịch, buổi tối nay tôi được thư thái hơn. Trong cái không khí se se lạnh của cơn gió lạnh đầu mùa, tôi đã mơ về ngày quê tôi thắng dịch. Trẻ tung tăng tới trường. Chúng tôi lại tập trung vào công việc lái đò thầm lặng.