Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Chắp cánh cho sức mạnh văn hóa Việt

Vai trò của văn hóa ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, qua những thập niên gần đây, chúng ta càng thấm nhuần và hiểu rõ: văn hóa chính là một trong những “sức mạnh mềm” (soft power), quan trọng trong thời kỳ hòa nhập với thế giới ngày một sâu rộng. 

Hình tượng Sao La trên khuyên tai của văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh tư liệu
Hình tượng Sao La trên khuyên tai của văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh tư liệu

1/Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), phương hướng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được thấm nhuần, triển khai từ trung ương xuống các địa phương. Văn hóa được đề cao với vai trò là “công nghiệp văn hóa”, một ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22/2/2022) của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,, trong đó có văn hóa di sản, văn hóa du lịch, văn hóa lễ hội, thể thao…

Thật ấn tượng với SEA Games 31 mới diễn ra ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố với hình ảnh một đất nước yên bình. Thế giới còn thấy được tinh thần thể thao, hữu nghị, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sức mạnh vươn lên của dân tộc Việt Nam qua sự quan tâm, cổ vũ nồng nhiệt cho thể thao từ mỗi người dân, các cổ động viên cho đến các lãnh đạo đất nước. Các tầng lớp người Việt quần tụ lại như biểu trưng sức mạnh đoàn kết toàn dân mỗi khi đất nước có những sự kiện lớn lao.

Riêng việc chọn linh vật cho kỳ SEA Games này cũng chứng tỏ sự trân trọng văn hóa, lịch sử, mỹ thuật. Cuộc thi sáng tác đã chọn được hình ảnh Sao La là động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới, cần được bảo tồn cấp thiết. Hình ảnh chú Sao La thân thiện, theo các nhà khảo cổ thì đã được khắc họa trên một loại khuyên tai bằng đá ngọc và thủy tinh của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hơn 2 000 năm rồi và được đặt tên là “khuyên tai hai đầu thú”. Từ quê hương miền trung nước ta, những chiếc khuyên tai đẹp này đã như các “đại sứ” thân thiện có mặt ở Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Thailand… trong thời cổ đại.

Các bạn khách quốc tế cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, thí dụ trưởng đoàn thể thao Thailand, ông Thana Chaiprasit nhận xét về chất lượng thi đấu của đoàn Việt Nam, việc chuẩn bị phương tiện di chuyển, hậu cần ăn nghỉ cho các đoàn hết sức chu đáo. Ông Tan Chuan-Jin, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore cũng đánh giá cao tình cảm nồng ấm, hữu nghị của vận động viên và nhân dân nước chủ nhà. 

SEA Games 31 đã qua đi, chúng ta càng khẳng định được hình ảnh của một Việt Nam đầy sức mạnh, sự đoàn kết dân tộc và thân thiện, hòa bình với bè bạn láng giềng. Đó chính là “sức mạnh mềm”. Chúng ta cần phát huy trong mọi cuộc “trình diễn” các sự kiện mang tầm quốc tế tiếp theo. 

2/Thể thao là một lĩnh vực quan trọng, thu hút được khá nhiều bạn bè quốc tế. Chúng ta đã có nhiều môn thể thao có thế mạnh trong khu vực, cần mạnh dạn hơn tổ chức các giải đấu quốc tế về bóng đá, chèo thuyền, điền kinh, bơi lội, võ thuật… Có thể với cảnh đẹp Vịnh Hạ Long, chúng ta cũng nên tổ chức một cuộc thi thuyền buồm quốc tế. Với chiều dài và sự đa dạng về địa hình, khí hậu của đất nước, cũng cần nghĩ đến những cuộc đua tài xe đạp, xe máy, ô-tô xuyên Việt quốc tế. 

Ngoài thể thao, sức mạnh mềm của văn hóa cũng cần được phát huy hơn nữa. Việc mời các đội trình diễn pháo hoa tầm cao trên thế giới về Đà Nẵng thi tài đã là một thành công, quảng bá cho một “thành phố đáng sống” bằng vẻ đẹp trình diễn môn nghệ thuật được phát huy tối đa trong không gian trời trong, biển biếc của miền trung nước ta.

Nước ta có vốn di sản văn hóa khá hấp dẫn mà không phải nước nào cũng có. Đó chính là 8 di tích và thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới: Cố đô Huế, vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An. Bên cạnh đó còn có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia. Các vốn văn hóa di sản này đã được khai thác trong du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn. 

Một trong những ngành kinh tế được vực dậy nhanh nhất sau đại dịch, chính là du lịch, nhất là du lịch di sản văn hóa. Khách quốc tế lại đến Việt Nam nhiều lên, vì thế chúng ta cần tổ chức và khai thác các sự kiện, các tour du lịch mang tầm khu vực và thế giới. Có thể đó là các tour du lịch biển, đảo dọc Việt Nam từ Vân Đồn đến Phú Quốc, tour du lịch các tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam, các hang động đẹp nhất, các kinh đô cổ, các làng nghề… 

Cũng vậy, chúng ta cần đứng ra đăng cai các hội nghị quốc tế về khoa học như địa chất, khảo cổ, môi trường, toán học, vật lý, kiến trúc… Đó là một dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam, cũng là dịp để học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu  khoa học của các nước. 

Chắp cánh cho sức mạnh văn hóa Việt -0
Sao La là linh vật của Sea Games 31. Nguồn: Internet 

3/Chúng ta đã có đường hướng phát triển văn hóa đúng đắn và có quyết tâm lớn để biến văn hóa thành một ngành công nghiệp. Tuy nhiên, cần có thêm sự nỗ lực, sáng tạo để tạo sự phát triển nhanh và bền vững. Vì thế đòi hỏi phải có những giải pháp.

Để văn hóa phát triển thì phải coi trọng yếu tố bền vững. Không vì “bóc ngắn cắn dài” mà làm sai lệch vốn quý di sản: phá các đình chùa cũ để xây đền chùa mới, thậm chí du nhập mô hình xa lạ của các kiểu chùa, tượng ngoại lai không mang phong cách truyền thống. Muốn các di sản văn hóa phát triển bền vững thì phải chú ý đến sự quản lý, trông nom của từng hộ gia đình, chính quyền nơi có di tích, gắn quyền lợi của họ với sự giáo dục và nhận thức.

Chúng ta cần học tập các nước quanh ta về khai thác sản phẩm văn hóa để phục vụ cho du lịch. Cần có những biểu tượng văn hóa mang nét Việt, giá trị Việt để quảng bá. Chúng ta đã có biểu tượng trống đồng Đông Sơn độc đáo, có áo dài và nón lá cho phái nữ. Nhưng dường như còn thiếu nhiều biểu tượng khác, hoặc còn chưa có sự đồng tình trong cộng đồng. Thí dụ, trang phục truyền thống dành cho phái nam có vẻ chưa nhiều tiếng nói đồng thuận. Đã có áo dài, khăn xếp nhưng chưa được nhiều người chọn mặc trong những dịp lễ tiết. Chúng ta cũng chưa chọn được biểu tượng linh thú tiêu biểu, trong lúc các nước chung quanh có biểu tượng con voi, con chim thần Garuda, sư tử, hổ… Đã đến lúc, chúng ta có những cuộc trưng cầu ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân để chọn lấy những biểu tượng. Các biểu tượng này sẽ giúp bạn bè quốc tế khi tiếp xúc, nghĩ đến một đất nước Việt Nam có những bản sắc văn hóa của riêng mình.

Càng ngày văn hóa lại càng đóng góp nhiều cho đời sống tinh thần của người Việt. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ca nhạc, hội họa, ẩm thực… nhằm quảng bá sức mạnh mềm của văn hóa Việt như người Nhật Bản và người Hàn Quốc đã thành công ở lĩnh vực văn hóa này.

Sức mạnh mềm về văn hóa được phát huy, đã bước đầu gặt hái thành quả. Điều này lại càng đúng khi chúng ta ngày càng đi sâu hội nhập vào một thế giới cần đến nhau để cùng phát triển nhưng cũng cần giữ gìn bản sắc dân tộc của mình.