Bóng dáng một đô thành lộng lẫy

Liên tiếp những thành tựu nổi bật về khảo cổ học trong 2-3 năm trở lại đây được tìm thấy ở Ninh Bình. Đáng kể nhất là những phát hiện mới trước thế kỷ 10 và thời Đinh-Tiền Lê. 

Khảo sát nền gạch tại cấp nền kiến trúc thời Tiền Lê trong khu vực hố khai quật tại cố đô Hoa Lư. Ảnh: VŨ ANH
Khảo sát nền gạch tại cấp nền kiến trúc thời Tiền Lê trong khu vực hố khai quật tại cố đô Hoa Lư. Ảnh: VŨ ANH

Những liên hệ độc đáo với Hán, Chăm Pa

“Xin các đồng nghiệp hết sức chú ý và nhẹ nhàng dùm cho, mỗi bước chân của chúng ta đang đứng là nền di sản còn lại của cha ông. Nếu sơ suất là sẽ không thể phục hồi được đâu…”. 

Đó là những lời nhắc nhở liên tục tại khu khai quật trong cố đô Hoa Lư trong lần “phá lệ” đón các đồng nghiệp tham quan. TS Nguyễn Ngọc Quý, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, chia sẻ: “Nhóm đã khai quật tại hai địa điểm là ngã ba sông Bôi thuộc hai huyện Nho Quan, Gia Viễn cùng khu vực cố đô Hoa Lư”. 

Nhóm đã phát hiện ba địa điểm mộ gạch tại các đỉnh gò cao ven sông, có niên đại từ thế kỷ 1-3 sau Công nguyên. So phát hiện trước đây, các ngôi mộ không chỉ có kết cấu tường gạch khác biệt, mà thuộc số hiếm hoi còn giữ một số đồ tùy táng nguyên vẹn như đồ đồng, đồ gốm, đất nung, vòng đá mã não... Khi bắt đầu khai quật, các ngôi mộ đều nằm trong tình trạng sạt lở, chỉ còn lại một nửa. Chính vì thế, nhóm quyết định làm sớm, nếu không chỉ vài năm nữa sẽ mất hoàn toàn những di tích này. Nhờ những ngôi mộ gạch theo phong cách Hán mới phát hiện này, các nhà khảo cổ tin rằng từng có sự giao thương, trao đổi văn hóa mạnh mẽ giữa người Việt và Hán tại vùng Hoa Lư xưa.

Bên trong cố đô, từ tháng 3 đến tháng 10, nhóm mở rộng nghiên cứu trên khu vực hơn 600 m2 tại cánh đồng phía nam đền thờ Vua Lê Đại Hành. Bước đầu tìm thấy nền móng cung điện thời Đinh và Tiền Lê đúng quy mô to lớn như sử sách ghi chép. Nhóm khảo cổ đã nhận diện được ba nền kiến trúc của hai giai đoạn trên khá rõ ràng. Hai nền cung điện thời Đinh được đắp bằng cách vượt thổ trên nền đất yếu. Người xưa đã dùng bó lau sậy xếp lại để chống lầy lún, kết hợp phía trên là lớp đất sét và chạc bằng đá ong để gia cố. Phía rìa ngoài cung điện còn có thêm những hàng cọc gỗ để gia cố thêm cho nền bên trong.

“Đáng nói là chúng tôi phát hiện thêm việc nhà Đinh từng phá bỏ kiến trúc cung điện cũ để tạo nền cung điện mới. Chỉ riêng rìa phía tây của cung điện mới đã dài 25 m và rìa phía bắc chúng tôi đo được 30 m chiều dài nhưng chưa tìm thấy điểm kết thúc”, TS Quý phân tích. 

Với giai đoạn Tiền Lê, các nhà khảo cổ mới chỉ tìm thấy một sân rộng được lát kỹ lưỡng bằng gạch nung đỏ với các họa tiết hoa sen, uyên ương. Cùng với đó là đường dẫn nước ra phía tây của công trình kiến trúc này.

Rõ ràng, khu vực cố đô đã có những công trình kiến trúc liên hoàn theo các giai đoạn liên tục xây dựng, mở rộng từ Đinh tới Tiền Lê. Nằm ở vị trí cao hơn nhiều so các khu vực khai quật khác, nhóm nghiên cứu nhận định đây là vùng trung tâm liên quan hành chính, công vụ. Ý kiến này được củng cố thêm với việc phát hiện những viên gạch thời Tiền Lê khắc chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” ở vị trí xây dựng cung điện. 

Ngoài ra, có một số phát hiện mới nữa giúp giải mã thêm lịch sử thời Tiền Lê. Đầu tiên phải kể tới sự xuất hiện của kỹ thuật chế tạo vật liệu xây dựng ảnh hưởng từ Champa với các loại gạch, ngói đất nung, mầu đỏ, độ nung vừa phải, khác biệt với loại gạch, ngói cứng gần sành, màu xám được sử dụng phổ biến dưới thời Bắc thuộc. Những vết tích của việc di chuyển một số lượng lớn vật liệu kiến trúc từ cố đô Hoa Lư ra xây dựng kinh thành Thăng Long cũng đã được phát lộ và khẳng định. 

Đánh giá về một trong những di tích quan trọng nhất hiện tại của khảo cổ nước nhà, PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, những thành tựu này đã chứng tỏ Hoa Lư rõ ràng là kinh đô cho một thời kỳ tự chủ, tự cường và vươn lên mạnh mẽ. Nơi mang bóng dáng của một đô thành được quy hoạch nghiêm cẩn, lộng lẫy và có bản sắc, dần hiện rõ.

Bóng dáng một đô thành lộng lẫy -0
Gạch Đinh-Tiền Lê, khắc chữ “Đại Việt quốc Quân thành chuyên” có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quốc hiệu nước Đại Việt ở TK10 được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong quá trình khai quật tại đền Vua Lê, cố đô Hoa Lư. Ảnh: THU HẰNG

Bảo tồn sau khai quật: Vấn đề lớn chưa được tôn trọng tương xứng

Hơn 380 báo cáo tham gia “Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học” trên toàn quốc lần thứ 56 diễn ra tại TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) từ ngày 29/11 đến 1/12 vừa qua.

Song song những báo cáo và thảo luận cởi mở, hội nghị năm nay còn có sự đổi mới khi các nhà nghiên cứu, chuyên gia được tham dự những chuyến thăm thực tế tới các hố khai quật tại Hoa Lư, tham quan di tích Tràng An. Từ đó, các đại biểu đã thẳng thắn đề cập một số hạn chế, cũng như góp ý để đổi mới ngành khảo cổ trong thời gian tới. “Hiện nay, các nhà khảo cổ học đang trực tiếp đặt ra các vấn đề lớn về bảo tồn, bảo quản các di tích sau khai quật. Nhưng vấn đề tiếp theo phải là các việc chấp hành luật, xây dựng báo cáo, quy trình và hoàn thiện quy hoạch khảo cổ học. Hơn 10 năm rồi chưa có địa phương nào làm được, nhưng thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khuyến khích chính quyền địa phương, các chuyên gia và nhà nghiên cứu tham gia, góp ý để sửa đổi, bổ sung luật di sản”, PGS, TS Tống Trung Tín cho biết. 

Trong bối cảnh phát triển vượt bậc của toàn cầu hóa và kỹ thuật số, ngành khảo cổ cũng cần bắt kịp xu thế mới, áp dụng nó vào nghiên cứu và thực tiễn. Người đưa ra đề xuất mang tinh thần hiện đại này là GS Phạm Huy Dũng, trường đại học Thăng Long: “Tôi hết sức ấn tượng với những kết quả nghiên cứu khoa học trình bày trong hội nghị. Thêm vào đó, chúng tôi có một tạp chí chuyên san về văn hiến di sản nước nhà, được rất nhiều tổ chức quốc tế như UNESCO cùng nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài như  Đức, Pháp, Anh… quan tâm, theo dõi. Họ đánh giá rất cao những kết quả khảo cổ học Việt Nam và muốn chia sẻ những thành tựu này. Bởi vậy, chúng tôi mong Viện trưởng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thông báo hội nghị lần thứ 57 tới đây nên kết hợp một hội thảo quốc tế, có thể làm trực tuyến để cho các nhà nghiên cứu quốc tế tham gia”. 

Từ đó có thể thấy, ngành khảo cổ đang nỗ lực bám sát với xu thế thời đại, áp dụng thực tiễn không chỉ trong quá trình nghiên cứu mà cả hậu khai quật, như xử lý tài liệu, hiện vật; xây dựng hồ sơ khoa học để từng bước đưa ra trước công chúng. Đây là những hướng đi đúng đắn, vừa khôi phục tầm vóc xứng đáng cho di sản cha ông vừa phát huy giá trị văn hóa, góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương, cũng như thành tựu chung của cả nước. 

Tại cố đô Hoa Lư, nhiều di vật trang trí đã được tìm thấy như bệ sen, gạch lát nền, đầu ngói ống, đồng tiền Thái Bình thông bảo và đặc biệt quan trọng là di vật giống thuyền tán thuốc, với đầu trang trí hình cá hóa long. “Hiện vật giúp chúng tôi đưa ra giả thuyết hình ảnh con rồng đã bắt đầu từ thời Tiền Lê và sau này được các triều đại sau như Lý, Trần kế thừa phát triển rực rỡ”, TS Quý chia sẻ thêm.