Những cung đường Lương Ngọc An

Tôi biết có những người sinh ra là để… không ngồi yên một chỗ. Nhà thơ, nhà báo Lương Ngọc An là một trường hợp như vậy.

Những cung đường Lương Ngọc An

Đi về phía biển

Tháng 5-2000, anh bạn nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng giới thiệu Lương Ngọc An với tôi. An từ Hà Nội vào Phú Yên viết ký sự đường dài và để khuây một chuyện buồn (đại khái… vậy). Một anh chàng to con, tóc húi cua thời thượng, đeo dây chuyền bự, ngồi trên chiếc xe máy kềnh càng. Vốn ở tỉnh xa, mọi chuyện khá “chuẩn mực”, tôi hơi bị xốc trước dáng vẻ của chàng nhà thơ ở Báo Văn Nghệ Trẻ. Tuy nhiên, nỗi niềm nghề nghiệp đã kéo chúng tôi đồng điệu.

An có giọng đọc thơ mê hồn và một vẻ phong trần nhiều hơn tuổi ngoài ba mươi. Đến Tuy Hòa lần này, An nhất quyết theo tàu câu cá ngừ đại dương, mặc dù đang lúc thi thoảng biển động. Sau khi làm cam kết không đuợc… đòi về giữa chừng, An leo lên tàu hướng hun hút ra giữa đại dương cùng những ngư dân sắt se vì miếng cơm manh áo. Thú thật, làm báo tại quê hương câu cá ngừ đại dương nhưng đã mấy chúng tôi dám bước chân theo tàu lênh đênh như thế.

Dân biển ở đây có quy định mỗi người lạ xuống tàu đều phải đặt cọc từ 10 đến 15 triệu đồng. Đó là khoản tiền đủ chi phí cho một chuyến biển; phòng khi người đó đau ốm hoặc say sóng phải bỏ dở chuyến đi để đưa vào bờ thì sẽ phải chịu toàn bộ khoản chi phí đó. Sẵn có chiếc xe máy đem theo, nay xuống biển không cần nữa, An đặt luôn. Cũng may mà được chấp nhận. Ông chủ tàu bảo: “Cốt là để chú phải lượng sức mình và có thêm trách nhiệm với anh em thôi...”. Nhưng khi được biết tôi từng là lính xe tăng, lại cũng từng “hành quân” ra tới Trường Sa thì ông cười thật to và vỗ mạnh vào vai tôi: “Được!”...

Sau đợt đó, Lương Ngọc An viết phóng sự “Ra khơi cùng thợ săn” (dự thi Báo Lao Động và đoạt giải Nhì (cuộc này không có giải Nhất). Sau đó một năm, cũng với đề tài câu cá ngừ đại dương, An “thâm canh” giải Nhất bút ký dự thi Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Gia sản nỗi buồn

Tôi chợt nghiệm ra, nhờ thơ và nghề báo mà Lương Ngọc An mới sống được bề bộn, liều mạng như vậy. Trong tập thơ “Trở mình”, ở tuổi ba mươi, anh triết lý một cách nồng ấm: “ngồi xuống đất để đừng bao giờ ngã/leo lên cao để đừng bao giờ lấm/đừng mất nhau - để đừng bao giờ đau/hay đừng có nhau - để đừng bao giờ đau” (Giai điệu). Từ một sĩ quan thiết giáp, An chuyển hẳn sang học làm thơ, học một cách nghiêm túc ở sách vở, ở các bậc đàn anh, ở trường Viết văn Nguyễn Du và ở... lang thang. Một chàng trai hộ pháp bỗng tỏ ra yếu đuối lạ kỳ trước vẻ đẹp của nàng thơ. Có lần An tếu táo với tôi: “Phải có sức khỏe thật sung hoặc ngược lại một trăm tám mươi độ thì mới làm thơ tình hay đuợc”. Tôi chẳng tin lắm nhưng mà nghe cũng có lý…

Cái vẻ ngoài bụi bặm và hơi phớt đời của An lại mềm mại và da diết đến nao lòng trong thơ. Ngẫm về bạn, đôi lúc tôi tự nhủ: “Trời phú cho ông này nhiều thứ thật. Dáng vẻ khỏe mạnh và một tâm hồn dạt dào như thế, con gái nào không yêu hắn được chứ”. Nói vậy thôi chứ trời cũng chẳng cho ai quá nhiều đâu, đôi khi nuốt chưa trôi thì đã “móc” lại! An vào Phú Yên là đi tránh mấy chuyện khổ ải ở Hà thành. Nhà văn Đào Bá Đoàn nói: “Lương Ngọc An quá đa cảm nên nhiều nỗi buồn…”.

Đâu đã mấy năm, trên đường thiên lý, An cùng một đoàn làm phim tài liệu ghé tạt Tuy Hòa nghỉ một đêm. Lần này, một đài truyền hình mời An tham gia tư vấn nội dung và viết lời bình cho một loạt ký sự dài tập. Có thể nói, sự thẩm thấu văn hóa luôn là một tố chất của Lương Ngọc An.

Thỉnh thoảng đọc thơ, đọc báo lại biết An vừa đi Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Quảng Trị, Nam Bộ, Lào, Campuchia... Đi nhiều và viết chắt lọc, An đã đoạt mấy giải bút ký, phóng sự; riêng nghiệp thơ đã in chung riêng mấy tập đầy đặn và “lượm được” mấy giải thưởng thơ danh giá. Chính An là một típ người - thơ mạnh mẽ đến táo tợn mà nhiều hội hè thi phú đang thiếu…

Vừa rồi gặp lại bên hồ Thiền Quang (Hà Nội), trông An đã giảm “bặm” so xưa, thoáng đượm mùi mỏi mệt sau hơn nửa đời thơ - báo, nhất là trĩu gánh trách nhiệm một người làm “bếp núc” báo văn. Thế nhưng vẫn ánh da diết lên trong mắt An là câu chuyện chữ nghĩa báo chí, văn chương.

“Bút pháp là tài sản riêng của nhà văn. Đổi mới đến đâu thì cũng còn phải xem anh có gì để đổi mới và bắt đầu từ đâu mà đổi mới. Nếu anh là người giàu có thì chẳng cần đổi mới, cứ tự nhiên như anh vốn có thì cũng đã là quá độc đáo và sang trọng rồi. Còn anh là người nghèo nàn thì có cố gắng đến đâu đi nữa cũng khó mà qua khỏi cái bóng của người giàu có. Chúng ta đã đi qua cả một chặng đường dài, rất dài của văn học và các vấn đề về bút pháp, nên vệc đổi mới không phải là chuyện muốn mà được. Cái có thể làm bây giờ là làm thế nào để đi được dài nhất trên con đường vắng nhất, thế là thành công”, Lương Ngọc An trải lòng.