Khi triết học thành người bạn vui

Nhắc đến “triết học”, bạn đọc ngoài chuyên môn thường… “sợ”! Bởi những khái niệm cao siêu, những phạm trù phức tạp, những mệnh đề lắt léo… dễ làm người ta ngại và mệt khi đọc sách. Sách vở, ngẫm ra trong nhiều trường hợp, cũng là một thú vui, một sự giải trí, thỏa mãn ham muốn được suy nghĩ, tưởng tượng một cách thong thả, dịu dàng và vui vẻ.

Khi triết học thành người bạn vui

May thay, cuốn sách bắc cầu cho bạn đọc đến với triết học này, lại đáp ứng được ham muốn đó một cách thú vị, như một người bạn đang trò chuyện thân mật với chúng ta và thường xuyên làm cho cuộc gặp gỡ thêm hào hứng bằng những câu chuyện hài hước, những nhận xét dí dỏm. Và, triết học đi vào chúng ta từ lúc nào không biết. Càng hấp dẫn khi nó cùng ta trả lời những câu hỏi thiết thân của hiện tại, những câu hỏi cũng không cao xa, vĩ mô ghê gớm gì, mà lại giản dị, có mặt quanh đời sống, nhưng không phải lúc nào cũng dễ trả lời.

Tác giả chia sách thành sáu phần, là sáu “niềm an ủi”, sáu cuộc sẻ chia, sáu cuộc đồng hành với bạn đọc trong cuộc hoài niệm, mơ mộng xa xôi, ngẫm nghĩ về đời sống của chính mình với đủ các mối quan hệ với gia đình, xã hội… Đó là những niềm an ủi khi không được yêu thích, khi không có đủ tiền, niềm an ủi cho nỗi thất vọng, cho sự thiếu thốn, cho trái tim tan vỡ, và cho khó khăn. Sáu chuyến đi này, lần lượt cho ta gặp gỡ, dõi theo cuộc đời, thân phận và những quan điểm độc đáo của các triết gia nổi tiếng nhân loại. Suy nghĩ, tình cảm, hành động của họ hiện lên sinh động, chân thật, gắn liền với quá trình nghiền ngẫm, tư duy về lẽ sống, lối sống, bản chất cuộc sống, về tư cách con người…, khiến cho những tư tưởng của họ bỗng trở nên gần gũi như đã có lúc nào đó, chúng ở trong chính bạn đọc vậy.

Đó là Socrate (Hy Lạp) với những cuộc đối thoại triền miên suốt cuộc đời, cho đến khi bị xử tử, để sản sinh những quan niệm mở về lòng dũng cảm, đạo đức và sự giàu có. Đó là Epicurus (Hy Lạp) với ngôi trường và triết lý hưởng thụ nổi tiếng nhưng thực chất lại là lời khuyên bằng lòng với những vấn đề thiết yếu để không chạy theo những tham vọng và sự hưởng lạc xa hoa. Đó là Seneca (La Mã) với quan điểm chấp nhận thực tại khi chứng minh rằng, không thể bắt hoặc muốn mọi thứ chung quanh phải như mình muốn. Cùng với Montaigne (Pháp) và lời an ủi khi chúng ta gặp những khó khăn trong đời sống tình cảm, khi ta thiếu hụt về văn hóa, trí tuệ. Và Schopenhawer (Đức) với những thất bại của ông trong tình trường, để rút ra lời khuyên không nên đau khổ. Kết lại với những không gian sống của Nietzsche (Đức) ở những miền đất kỳ vĩ và sự lựa chọn đời sống đơn giản, nó khiến chúng ta phải nỗ lực hơn, như một điều kiện quan trọng để thành công.

Như vậy, ai đó thiếu tiền, thiếu thốn tình cảm, gặp khó khăn trong công việc, giao tiếp, quan hệ, ứng xử… đều có thể, và nên đọc cuốn sách này. Ở đó, qua tài kể chuyện của tác giả, các nhà triết học từ hàng bao nhiêu thế kỷ trước, dạy ta cách để biết chấp nhận, biết tự an ủi, nhưng không phải để buông xuôi, mà để sống cho hiệu quả hơn.

(“Sự an ủi của triết học”, Alain de Botton, Ngô Thu Hương dịch, NXB Thế giới & Nhã Nam, 2018).