Thương mại toàn cầu giảm tốc

Thương mại toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý cuối cùng của năm 2021, song lại đối diện đà giảm tốc vào đầu năm nay. Nguyên nhân chi phối thì có nhiều, trong đó một lý do quan trọng là “bóng ma” Omicron vẫn phủ bóng khắp thế giới.

Các hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy giao thương giữa các thành viên. Ảnh: SONG ANH
Các hiệp định thương mại sẽ thúc đẩy giao thương giữa các thành viên. Ảnh: SONG ANH

Thương mại toàn cầu chững lại

Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố bản cập nhật thương mại toàn cầu tháng 2/2022, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng thương mại toàn cầu đã tăng tốc trong quý IV/2021, nhưng nhiều khả năng sẽ quay đầu lao dốc trong quý I năm nay. Năm 2021, thương mại toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 28.500 tỷ USD, tăng 25% so năm 2020 và hơn 13% so mức trước dịch Covid-19 bùng phát.

Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu được giữ vững trong nửa đầu năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm. Thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng diễn biến tương tự trong năm 2021 với mức tăng trưởng mạnh hơn trong nửa đầu năm ngoái. Thương mại tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan đối với cả hàng hóa và dịch vụ trong các quý III và IV/2021.

Xu hướng xuất nhập khẩu của một số nền kinh tế lớn trên thế giới minh họa rõ nét hơn cho các mô hình tăng trưởng thương mại trong những quý gần đây. Quý IV/2021, thương mại hàng hóa ở tất cả các nền kinh tế lớn đều cao hơn mức trước đại dịch, đối với cả nhập khẩu và xuất khẩu. Thương mại hàng hóa của các nước đang phát triển thậm chí còn đạt mức tăng mạnh hơn các nước phát triển. Xuất khẩu của các nước đang phát triển trong quý IV/2021 cao hơn khoảng 30% cùng kỳ năm trước, so con số 15% ở các nước phát triển.

Theo UNCTAD, xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế trong năm 2021 chủ yếu là do giá hàng hóa tăng mạnh, trong khi các biện pháp kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh được nới lỏng và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, những xu hướng này có khả năng “giảm nhiệt” nên thương mại toàn cầu dự kiến sẽ trở lại “trạng thái bình thường” trong năm 2022. 

Thương mại toàn cầu giảm tốc -0
Biếm họa: CHEN XIA 

Các yếu tố chi phối

Giới chuyên gia đánh giá có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển của thương mại thế giới trong năm nay. Thứ nhất, đó là tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và các cường quốc nói riêng không được như kỳ vọng, rõ nét nhất bằng việc tăng trưởng kinh tế năm 2022 đang được điều chỉnh giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 4,9% xuống còn 4,4% do lạm phát kéo dài tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ và lĩnh vực bất động sản khó lường của Trung Quốc. Thương mại toàn cầu sẽ phản ánh những xu hướng kinh tế vĩ mô, với tăng trưởng thương mại thấp hơn dự kiến.

Thứ hai, đó là những thách thức liên tiếp đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi đại dịch Covid-19 gây áp lực chưa từng có. Sự gián đoạn logistics, đứt gãy chuỗi cung ứng cùng tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao đã góp phần làm trầm trọng thêm nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng theo hình xoắn ốc. 

Thứ ba, đó là các hiệp định thương mại và xu hướng khu vực hóa. Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, tạo thuận lợi cho thương mại giữa nhiều nền kinh tế và dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại giữa các thành viên, bao gồm cả việc chuyển hướng thương mại từ các nước không phải là thành viên.

Thứ tư, đó là nhiều nước chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu “xanh” hơn. Các mô hình thương mại trong năm 2022 dự kiến phản ánh nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các sản phẩm bền vững và thân thiện môi trường. Các mô hình như vậy đang được các chính phủ bảo trợ. 

Ngoài ra, các mô hình thương mại toàn cầu cũng có thể chịu ảnh hưởng của nhu cầu gia tăng đối với các mặt hàng chiến lược cần hỗ trợ những giải pháp thay thế năng lượng xanh hơn như coban, liti và kim loại đất hiếm. Thêm nữa, nợ công toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục cùng lạm phát gia tăng cũng đặt ra bài toán khó cho động lực tăng trưởng bền vững. 

Việc siết chặt các điều kiện tài chính sẽ làm tăng áp lực đối với hầu hết các chính phủ có nợ công cao, cũng như nguy cơ dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực các khoản đầu tư và luồng thương mại. Theo số liệu của IMF, năm 2020, thế giới ghi nhận mức nợ công tăng trong một năm lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với nợ toàn cầu “phi mã” lên 226 nghìn tỷ USD. Khoảng 60% số nước thu nhập thấp đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ công.

Trong bối cảnh phần lớn quốc gia đang thực thi các biện pháp thích nghi an toàn với Covid-19, sau thời gian dài dồn toàn bộ nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch bệnh, giờ là lúc cần xốc lại tăng trưởng kinh tế và thương mại trong cuộc sống bình thường mới.