Hướng tới các quốc gia phía nam
Tổng thống Sheinbaum cho biết, USMCA nên được mở rộng theo nhiều cách, hướng tới các quốc gia phía nam để biến châu Mỹ trở thành một cường quốc kinh tế vượt xa bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Người đứng đầu Chính phủ Mexico nhấn mạnh lập trường của người tiền nhiệm Andrés Manuel López Obrador (nhiệm kỳ 2018-2024), trong đó nhiều lần bày tỏ tầm nhìn về USMCA không nên giới hạn ở ba quốc gia thành viên Mỹ, Mexico và Canada, mà nên mở rộng xuống phía nam ra khu vực Mỹ latin.
USMCA hiện là động lực chính cho nền kinh tế khu vực, song Tổng thống Sheinbaum cho rằng, vẫn còn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác nếu tìm cách hội nhập sâu hơn với các nước Mỹ latin. Các quốc gia Nam Mỹ chia sẻ nhiều lợi ích chung như phát triển năng lượng tái tạo, các vấn đề giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ. Tất cả các lĩnh vực này nên được củng cố và mở rộng thông qua một thỏa thuận toàn diện hơn.
Người đứng đầu Chính phủ Mexico đánh giá việc Colombia giữ chức Chủ tịch luân phiên của tổ chức Cộng đồng các quốc gia Mỹ latin và Caribe (CELAC) vào năm tới là nền tảng để thúc đẩy tầm nhìn hội nhập kinh tế và chính trị tại Mỹ latin. Bà Sheinbaum nhấn mạnh các quốc gia Brazil, Bolivia, Chile, Uruguay, Guatemala, Venezuela và Cuba chia sẻ những lợi ích và thách thức chung, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác lớn hơn trong khuôn khổ một hiệp định rộng lớn hơn.
Phản đối Mỹ áp thuế
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada đã vấp phải sự phản đối của hai nước và được cho là sẽ ảnh hưởng đến sự gắn kết USMCA. Ông Trump nêu rõ, các quy định áp thuế đối với Mexico và Canada sẽ nằm trong số những sắc lệnh hành pháp đầu tiên được ký vào ngày 20/1/2025, khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Mức thuế quan trên sẽ được áp dụng cho đến khi hai nước siết chặt các biện pháp ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl và tình trạng người di cư vượt biên trái phép.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico, thì nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ “xứ cờ hoa” ở mức tương ứng và hành động này sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh tế của hai quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ. Bà Sheinbaum phê phán ý định này là không thể chấp nhận được vì sẽ khiến nền kinh tế của hai quốc gia rơi vào vòng xoáy suy thoái, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Tổng thống Sheinbaum cảnh báo việc tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tổn hại đến các doanh nghiệp trong bối cảnh hai nước hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Theo Bộ Kinh tế Mexico, nước này và Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau không chỉ trong phạm vi USMCA mà còn trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2024, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Mexico đạt 632 tỷ USD, chiếm tới 15,9% tổng kim ngạch ngoại thương toàn cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Liên quan chuỗi cung ứng, các ngành công nghiệp ở Mỹ và Mexico phụ thuộc sâu sắc vào nhau. Mexico hiện đóng vai trò là trung tâm sản xuất công nghiệp cho các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô-tô, thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng. Theo đó, General Motors và Ford Motors - hai tập đoàn chế tạo ô-tô của Mỹ đã đầu tư sản xuất tại Mexico từ hơn 80 năm - sẽ là những nạn nhân đầu tiên của quyết định áp thuế cao từ Mỹ.
Trong thư gửi Tổng thống đắc cử Trump, Tổng thống Sheinbaum nêu rõ sức mạnh của khối USMCA sẽ được củng cố khi các thành viên cùng duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, đồng thời nhấn mạnh đối thoại trên tinh thần hiểu biết và hài hòa sẽ là cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng.