Trong bức thư đề ngày 17/12 gửi Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, các cựu quan chức nêu trên yêu cầu nới lỏng một số hạn chế đối với Cuba trước khi chính quyền hiện tại trao quyền điều hành cho Tổng thống đắc cử Trump, coi đây là quyết định không thể trì hoãn.
Quan chức từng là Trưởng phái đoàn Mỹ tại Cuba, Vicki Huddleston, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, cùng nhiều nhân vật khác ký tên trong bức thư kêu gọi chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đưa Cuba ra khỏi “danh sách đen tài trợ khủng bố”, đồng thời tăng cường viện trợ nhân đạo và đơn giản hóa các quy định để công dân Cuba tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Các quan chức ngoại giao và an ninh kỳ cựu của Mỹ khẳng định không có bằng chứng cho thấy Cuba tài trợ khủng bố. Việc Cuba nằm trong “danh sách đen” đã cản trở “hòn đảo tự do” tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, làm giảm thu nhập từ du lịch để chi trả cho việc nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cũng như các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Ngày 17/12/2014, nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama cùng tuyên bố nối lại quan hệ hữu nghị dẫn tới việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Năm 2016, ông Obama thăm Cuba và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đảo quốc láng giềng này kể từ năm 1928. Vào thời điểm đó, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi “danh sách đen” và nới lỏng các lệnh cấm du lịch tới hòn đảo này. Tuy nhiên, năm 2017, Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, triển khai thêm nhiều biện pháp trừng phạt và một lần nữa đưa Cuba vào “danh sách đen”.
Trong tuyên bố ngày 17/12, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba cho biết, “hòn đảo tự do” sẽ không chủ động đề xuất hay đình chỉ các hoạt động đối thoại và hợp tác hiện có với Mỹ. La Habana sẽ chú ý đến quan điểm của chính phủ mới của Mỹ, nhưng vẫn giữ lập trường kiên định xuyên suốt 64 năm qua, đó là sẵn sàng cùng Washington phát triển một mối quan hệ nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ lợi ích chủ quyền của cả hai bên.