Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 17/12 đã chính thức mở thủ tục điều tra đối với TikTok. Động thái này diễn ra sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Romania bị hủy bỏ do những cáo buộc về sai phạm và vi phạm luật bầu cử, trong đó TikTok bị nghi ngờ đóng vai trò nhất định.
Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ khỏi sự can thiệp từ nước ngoài và khẳng định tất cả các nền tảng trực tuyến, bao gồm cả TikTok, phải chịu trách nhiệm trong EU. Nếu TikTok bị phát hiện vi phạm DSA, mạng xã hội này có thể phải đối mặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm cả khả năng bị đình chỉ hoạt động trên toàn bộ lục địa châu Âu.
Trước đó, công ty quản lý mạng xã hội TikTok đã đệ đơn kháng cáo khẩn cấp lên Tòa án Tối cao Mỹ, yêu cầu tạm dừng thi hành một đạo luật có thể buộc ứng dụng này phải ngừng hoạt động tại Mỹ trong những tuần tới. Theo Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA) được Quốc hội Mỹ ban hành ngày 24/4/2024, ByteDance - công ty mẹ của TikTok - phải hoàn tất việc thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1/2025, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Đạo luật nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa do lo ngại về an ninh dữ liệu người dùng Mỹ.
Không chỉ vậy, giới chức Mỹ và châu Âu còn lo ngại nền tảng chia sẻ video ngắn này có thể chứa những “rủi ro tiềm ẩn”, chẳng hạn như các tính năng thiết kế video gây nghiện, độc hại cho trẻ em, đặc biệt là việc thiếu các biện pháp xác minh độ tuổi người dùng khi truy cập ứng dụng, gây lo ngại về an toàn của trẻ em trên nền tảng này.
Dù TikTok đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc, song “không có lửa sao có khói”? Không ít lần Mỹ và EU nêu bằng chứng cho thấy nền tảng này thiếu kiểm soát ngôn từ và bị lợi dụng để phục vụ các ý đồ gây hại tới lợi ích và an ninh quốc gia. Đó là lý do vì sao nền tảng trực tuyến này ngày càng đối mặt nguy cơ bị “cấm cửa” tại nhiều nước trên thế giới.