Xu hướng sử dụng thực phẩm từ côn trùng

Có thể nói đến nay, côn trùng không còn là loại thực phẩm xa lạ với nhiều người dân trên thế giới. Đã có những nghiên cứu cho thấy, với việc không chứa các chất gây dị ứng và độc tố, phát ít khí thải, khả năng tiết kiệm nước và thức ăn trong quá trình nuôi công nghiệp, côn trùng có cơ sở để trở thành nguồn cung cấp protein phổ biến hơn cho loài người.

Một đầu bếp Mỹ giới thiệu món ăn từ côn trùng. Ảnh: USA TODAY
Một đầu bếp Mỹ giới thiệu món ăn từ côn trùng. Ảnh: USA TODAY

Hướng đi mới của ngành thực phẩm

Một báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết, các hoạt động của ngành chăn nuôi công nghiệp tại Liên hiệp châu Âu (EU) tạo ra lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn lượng khí phát thải từ các loại ô-tô ở châu lục này. Nuôi côn trùng đại trà sẽ là hướng đi mới đáp ứng yêu cầu cung cấp loại thực phẩm mới thân thiện môi trường, có giá trị dinh dưỡng cao.

Còn theo một nghiên cứu về hiện trạng và xu hướng của thị trường thực phẩm toàn cầu do nhóm chuyên gia của Công ty thực phẩm EFKO (Nga), Sở Giao dịch Moscow và tổ chức tư vấn J’son & Partners Consulting thực hiện, thì ước tính đến năm 2025, thị trường cung cấp protein từ côn trùng sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 37,5%. Ông Andrey Zyuzin, Tổng Giám đốc của EFKO - một trong những công ty công nghiệp thực phẩm lớn nhất của Nga cho rằng, thực phẩm bổ sung protein được chế biến từ côn trùng có thể tốt cho cơ thể hơn so với các loại thịt truyền thống. Các thành phần thu được từ côn trùng thậm chí có thể thay thế một số chất thường sử dụng trong y học, thẩm mỹ.

Từ lâu, sử dụng côn trùng làm thức ăn đã phổ biến trong thực đơn tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái-lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Campuchia,… các nước châu Phi như Cameroon, CHDC Congo, Ghana, Botswana, Uganda và Mexico… Hiện, có một xu hướng trong ngành công nghiệp thực phẩm là không chỉ sử dụng côn trùng có sẵn trong thiên nhiên làm thức ăn, mà còn nuôi chúng trong điều kiện công nghiệp trong các môi trường dinh dưỡng khác nhau, để thu được các chất có giá trị và sinh khối giàu protein. Những năm gần đây, sản xuất thực phẩm từ côn trùng dần trở thành một trong những xu hướng quan trọng trên thị trường công nghệ thực phẩm toàn cầu. RBC Group (Công ty Tích hợp công nghệ, có địa chỉ tại Australia) dẫn nguồn từ nhiều chuyên gia cho biết, việc chăn nuôi động vật, gia súc lớn để lấy thịt thậm chí đem lại hiệu quả kinh tế thấp hơn so nguồn protein từ côn trùng. Để sản xuất 1 kg sản phẩm từ côn trùng, cần lượng nước ít hơn trung bình 500 lần, lượng thức ăn ít hơn 12 lần và diện tích đất ít hơn 10 lần so khi sản xuất 1 kg protein từ thịt bò.

Các chuyên gia an toàn thực phẩm cũng ủng hộ loại protein mới này và chỉ ra rằng, hệ vi sinh của côn trùng không gây bệnh cho người, đồng thời sản phẩm từ côn trùng cũng an toàn với người sử dụng. Điều đó được chứng minh trong công trình nghiên cứu của các TS khoa học người Đức Oliver Schlüter và Birgit Rumpold từ Viện Kỹ thuật nông nghiệp và Kinh tế sinh học. Không như động vật, có thể trở thành vật chủ mang mầm bệnh nguy hiểm cho con người, côn trùng có thể được nuôi trong một môi trường biệt lập, nơi nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm là rất thấp. Hơn thế, những côn trùng được nuôi trong môi trường công nghiệp không tạo ra hoặc tích tụ độc tố.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, thực phẩm từ côn trùng ít mang lại nguy cơ dị ứng cho con người. GS người Bồ Đào Nha Jose Carlos Ribeiro của Học viện Bách khoa Leiria và GS Luis Miguel Cunha của Đại học Porto công bố nghiên cứu cho thấy, khoảng hai tỷ người trên Trái đất từng sử dụng côn trùng trong chế độ ăn uống và cơ thể họ không gặp phải bất kỳ phản ứng đặc biệt nào. Điều này chứng minh mức độ gây dị ứng rất thấp của thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng.

Ngành công nghiệp đầy hứa hẹn

Theo Đại học Wageningen (Hà Lan), hơn 2.100 loài côn trùng ăn được đã được ghi nhận trên thế giới. Tổng giá trị thị trường côn trùng ăn được ước tính sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2023. Ngành nuôi côn trùng làm thực phẩm dự kiến tăng trưởng vượt bậc ​​ở các thị trường châu Âu và Mỹ latin. Côn trùng có tốc độ sinh sản và tăng trưởng khối lượng protein rất cao, do đó chúng thích hợp để phát triển trong điều kiện công nghiệp. Các loài thích hợp nhất để nuôi là bọ cánh cứng, châu chấu di cư, châu chấu sa mạc, dế nhà…

Gần đây, các công ty thực phẩm trên thế giới bày tỏ sự quan tâm ấu trùng của ruồi sư tử đen Nam Mỹ, loài có thể tăng trọng lượng gấp 500 lần chỉ trong một tuần. Ruồi sư tử đen ăn tạp, có khả năng phát triển trong phạm vi nhiệt độ, độ ẩm rộng và không sinh trưởng trong khu vực nhà ở của con người. Với quá trình nuôi dưỡng thích hợp, ấu trùng ruồi sư tử đen có thể chứa tới 40% protein, 40% chất béo, canxi, phốt-pho... Protein, chất béo thu được từ quá trình chuyển hóa chất hữu cơ với sự hỗ trợ của ruồi sư tử đen có thể được sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Ấu trùng ruồi sư tử đen chứa nhiều acid amin arginine, thành phần quan trọng thường được tổng hợp từ hạt thông trong các loại thực phẩm dành cho trẻ em trên thị trường hiện nay. Đáng chú ý, lượng acid amin này ở ấu trùng ruồi sư tử đen cao gấp bảy lần trong hạt thông.

Nhiều công ty ở Nga lên kế hoạch sử dụng nguyên liệu từ côn trùng để làm bánh mì và bánh nướng. Côn trùng khô được sử dụng nguyên con hoặc chế biến thành bột chứa 70% protein. Các đặc tính của nguyên liệu làm từ bột côn trùng giúp cải thiện độ tươi của bánh mì, giúp bánh mì tăng thời hạn sử dụng đến 10 ngày. Bột côn trùng cũng có thể thay thế bột đậu nành trong món thịt băm và xúc xích.

Một loạt các công ty trên thế giới cũng dành sự quan tâm đến hướng đi mới trong công nghiệp thực phẩm. Hargol FoodTech của Israel được đánh giá là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi châu chấu. Các sản phẩm của công ty này ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu và Mỹ, như một thành phần trong các bột pha protein và mì ống. Một công ty khác của Israel là Bay SpArk nổi tiếng với sản phẩm bơ và bột protein nguyên liệu côn trùng từ năm 2015, đang mở rộng quy mô sản xuất sang châu Á. Công ty chăn nuôi côn trùng Hà Lan Protix sở hữu nhà máy sản xuất protein lớn nhất thế giới với diện tích 14 nghìn m2, khai trương vào mùa hè năm 2019. Công ty Ynsect của Pháp có kế hoạch sẽ khai trương trang trại côn trùng tự động lớn nhất thế giới vào năm 2022…

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) nhiều lần kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn nữa vào hoạt động nuôi côn trùng làm thực phẩm để ứng phó vấn đề mất an ninh lương thực và hạn chế khí phát thải từ ngành chăn nuôi công nghiệp truyền thống. Giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế từ việc nuôi côn trùng làm thực phẩm dần được chứng minh, tuy vậy, ngành công nghiệp mới này vẫn chưa thể cạnh tranh với các nguồn thực phẩm truyền thống. Rào cản chính đối với sự phát triển của thị trường này vẫn là mức độ sẵn sàng khác nhau của người tiêu dùng khi chuyển sang sử dụng loại thực phẩm mới có nguồn gốc từ côn trùng, các sinh vật vẫn gợi lên sự e ngại trong tiềm thức của nhiều người.