Thủ đoạn buôn bán ma túy mới

Mới đây, giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) đã cho biết, các băng đảng ở châu Âu đang thay đổi hình thức buôn bán ma túy nhằm thích nghi với bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những thủ đoạn mới đã khiến nhà chức trách “lục địa già” phải đề ra hàng loạt biện pháp đối phó.

Số lượng lớn ma túy bị thu giữ tại cảng Rotterdam của Hà Lan. Ảnh: GETTY IMAGES
Số lượng lớn ma túy bị thu giữ tại cảng Rotterdam của Hà Lan. Ảnh: GETTY IMAGES

Những con số đáng báo động

Ngày 9-6 vừa qua, Giám đốc Trung tâm giám sát ma túy châu Âu (EMCDDA) Alexis Goosdeel cho biết, bất chấp đại dịch Covid-19, các băng đảng mafia tại châu Âu vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ và thu được những nguồn lợi bất chính khổng lồ. Một trong các lĩnh vực kinh doanh hoạt động mạnh mẽ nhất là thị trường ma túy. 

Theo người đứng đầu EMCDDA, chỉ riêng năm 2020, ước tính có 46 loại ma túy mới do các băng đảng mafia sản xuất được phát hiện. Ngoài ra, báo cáo hằng năm của EMCDDA (lấy dữ liệu từ 27 quốc gia thành viên của EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy) cũng ghi nhận, lực lượng chức năng các nước trong khu vực đã thu giữ lượng cocaine kỷ lục trong năm 2019 là 213 tấn, cao hơn nhiều so mức 177 tấn trong năm 2018, trong khi số người phải cai nghiện lần đầu cũng tăng đáng kể. Năm 2020, lực lượng chức năng tại cảng Rotterdam (Hà Lan) đã tịch thu gần 41 tấn cocaine, nhiều hơn bảy tấn so với năm 2019. Hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng tại cảng này cũng phát hiện 2,7 tấn cocaine giấu trong chuối được nhập từ Ecuador và các linh kiện máy tính nhập từ Malaysia. 

Tháng 4 vừa qua, Cơ quan Hợp tác tư pháp châu Âu (Eurojust) cũng công bố báo cáo cho thấy chỉ trong vòng bốn năm qua, số vụ án buôn bán ma túy mà cơ quan này thụ lý hồ sơ xét xử đã tăng gấp hai lần, lên tới 562 vụ vào năm 2020. Theo báo cáo trên, tổng giá trị ma túy buôn bán khắp các quốc gia thành viên EU ước tính 30 tỷ euro (khoảng 36 tỷ USD) mỗi năm. Lực lượng chức năng của Eurojust cho biết, trong thời gian gần đây, tội phạm đang tìm cách khai thác lỗ hổng pháp lý và tránh bị truy tố thông qua việc thay đổi thành phần các hóa chất được sử dụng để sản xuất ma túy. Trong số 562 vụ buôn bán ma túy được phanh phui nói trên, có tới một phần ba số vụ liên quan ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới. 

Giới chức châu Âu nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các vũ trường, quán bar trong khu vực phải đóng cửa vào ban đêm, những loại ma túy vốn được sử dụng trong các dịp tiệc tùng như thuốc lắc không còn được tiêu thụ nhiều. Thay vào đó, một số loại ma túy khác như hợp chất benzodiazepine - thường được kê để an thần, lại xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng, đại dịch khiến chứng mất ngủ, rối loạn, lo âu, trầm cảm,… gia tăng, từ đó khiến nhiều người sử dụng ma túy dạng trên tại nhà với lý do giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe tâm lý. “Để cải thiện tình trạng mất ngủ và căng thẳng, nhiều người cho biết đã tự mua thuốc điều trị cho mình trong bối cảnh hạn chế ra ngoài và thăm khám với bác sĩ”, báo cáo của Eurojust nhấn mạnh. Trong khi đó, nhiều đối tượng cũng bị phát hiện trồng cần sa tại nhà.

Thủ đoạn buôn bán ma túy mới -0
Gần 2,7 tấn cocaine bị phát hiện giấu trong chuối được nhập từ Ecuador. Ảnh: NLTIMES 

Nền tảng trực tuyến bị lợi dụng

Theo ông Goosdeel, đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động buôn bán ma túy trực tiếp trở nên khó thực hiện. Do đó, các đối tượng mua, bán ma túy đã tận dụng nền tảng trực tuyến để bắt liên lạc với nhau. Đây được coi là “thiên đường” của loại tội phạm liên quan ma túy. Bằng cách quảng cáo và bán hàng trực tuyến, khách mua lẻ có thể nhận hàng ngay tại nhà. Đối với khách hàng lấy số lượng lớn, các nhóm tội phạm thường tuồn ma túy qua các container đường biển, hoặc thông qua chuỗi cung ứng thương mại nhằm đối phó quy định đóng cửa biên giới của các nước.

Để liên lạc, các đối tượng mua, bán ma túy thường sử dụng các ứng dụng nhắn tin được mã hóa. Các băng đảng tội phạm cũng yêu cầu khách hàng giao dịch bằng tiền điện tử để tránh sự truy vết tài chính của lực lượng chức năng, đồng thời tìm cách khai thác lỗ hổng pháp lý bằng cách thay đổi thành phần hóa chất được sử dụng để sản xuất loại ma túy tổng hợp.

Theo người đứng đầu EMCDDA, thị trường ma túy đang phục hồi hơn bao giờ hết và được kích hoạt bằng các nền tảng kỹ thuật số. Ngoài ra, các đối tượng nghiện ma túy có thể tiếp cận nhiều loại ma túy hơn, với độ tinh khiết cao hơn. Từ thực tế nói trên, để có thể đối phó các hậu họa trong tương lai, ông Goosdeel khẳng định, cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức rằng ma túy không phải là vấn đề của riêng đối tượng nào, mà đang ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung theo nhiều cách khác nhau. Do đó, cần phải có sự chung tay giữa các quốc gia trong khu vực nhằm ngăn chặn loại hình tội phạm này.

Giám đốc Cơ quan điều tra chống mafia Italia (DIA), ông Giuseppe Governale nhận định, việc các quốc gia châu Âu phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh, cũng như việc cảnh sát gia tăng tuần tra và kiểm soát các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế đã làm tê liệt các nguồn thu đáng kể của mafia, bao gồm mại dâm và tống tiền… Điều này cũng khiến các hoạt động buôn bán ma túy nhỏ, lẻ qua nền tảng số tăng lên đáng kể thời gian qua. Ông cũng cảnh báo, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chắc chắn trong thời gian tới hoạt động tội phạm ma túy sẽ tiếp tục gia tăng tại khu vực này.

Trước tình hình trên, mới đây, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã phối hợp lực lượng hành pháp của gần 20 quốc gia thực hiện một chiến dịch mang tên “Lá chắn Trojan”. Chiến dịch sử dụng công nghệ mã hóa để thâm nhập và theo dõi hoạt động của các băng đảng tội phạm có tổ chức trên thế giới. Theo đó, lực lượng chức năng các nước sử dụng công nghệ này để “dụ” những nhóm tội phạm sử dụng một ứng dụng nhắn tin mã hóa tên gọi “AnOm”, từ đó lần ra các hoạt động đáng ngờ. Chiến dịch nói trên đã giúp lực lượng chức năng châu Âu bắt giữ 800 đối tượng dính líu tới các băng nhóm tội phạm tại nhiều nước trên thế giới, ngăn chặn hơn 100 “mối đe dọa đến tính mạng”, thu giữ sáu tấn cocaine, năm tấn cần sa, hai tấn ma túy đá và hơn 148 triệu USD tiền mặt.

Ngoài chiến dịch nói trên, Europol và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cùng giới chức các nước tại châu Âu phối hợp thực hiện những chương trình quy mô lớn nhằm triệt phá các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia. Đồng thời, giới chức châu Âu cũng khuyến cáo các nước tự nâng mức cảnh báo về các hoạt động của những tổ chức tội phạm, từ đó đề ra biện pháp thắt chặt an ninh phù hợp với bối cảnh hiện tại.