Nhức nhối nạn buôn người di cư

Đưa người di cư trái phép và buôn bán người được Liên minh châu Âu (EU) xem là mối đe dọa nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm, nhất là phụ nữ và trẻ em. “Những kẻ săn người” lợi dụng bất bình đẳng, sự dễ bị tổn thương về kinh tế-xã hội, vốn đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19, để tiếp cận thêm nạn nhân, buộc các nhà chức trách EU phải tăng cường biện pháp đối phó. 

Hàng nghìn người di cư đang là mục tiêu của các băng đảng buôn người. Ảnh: DAILY MAIL
Hàng nghìn người di cư đang là mục tiêu của các băng đảng buôn người. Ảnh: DAILY MAIL

Nhiều thách thức lớn

Báo cáo năm 2021 về nạn buôn người di cư do Trung tâm Chống buôn người di cư châu Âu (EMSC) thuộc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (EUROPOL) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 khiến các cuộc khủng hoảng toàn cầu trở nên sâu sắc hơn, trong đó có cả nạn buôn người di cư. Chỉ giảm tốc độ vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020, cho đến nay, các hoạt động buôn người di cư nhanh chóng gia tăng trở lại. Mạng lưới tội phạm đang cho thấy khả năng thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh mới khi hồi sinh nhiều tuyến đường như từ Tây Phi sang châu Âu, cũng như mở ra những tuyến vận chuyển mới, bất chấp sự kiểm soát ngày càng gắt gao tại biên giới các nước EU. 

Các mạng lưới đưa người di cư trái phép tiếp tục “khai thác” những tuyến đường khởi hành từ điểm nhập cảnh đầu tiên ở EU là Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp đến Pháp, Đức, Anh và các nước khác, di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, từ đi bộ, xe tải chở hàng, thuyền đến máy bay. Năm 2020, hơn 23.000 lượt người di cư xuất phát từ khu vực Tây Phi được ghi nhận tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha, tăng gần gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm 2021 đến nay, gần 54.000 người di cư đã đến nước này, tăng mạnh so với con số 29.000 người trong năm 2020 và 10.000 người trong năm 2019.

Giấu người di cư trong các phương tiện đường bộ vẫn là phương thức phổ biến nhất trong các trường hợp vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp bị phát hiện tại các nước ở vùng Tây Balkan. Người di cư thường bị nhồi nhét trong các khoang chở hàng bị khóa từ phía ngoài, tối tăm và thiếu không khí. Các loại xe tải, xe moóc, xe có thùng, thậm chí có khoang ẩn, được sử dụng để vận chuyển người di cư. Nhằm tránh sự kiểm soát của cảnh sát, các nhóm tội phạm còn tổ chức cho xe đi trước để “dọn đường”. Nếu bị phát hiện, xe đi trước sẽ cố tình vi phạm giao thông hoặc gây tai nạn để tránh cảnh sát kiểm tra phương tiện đi sau.

Những loại thuyền nhỏ vẫn là phương tiện chính được các nhóm tội phạm sử dụng nhằm đưa người nhập cảnh bất hợp pháp từ các nước EU qua eo biển Manche đến Vương quốc Anh. Hầu hết các chuyến đi khởi hành từ Pháp, đôi khi từ bờ biển của Bỉ. Năm 2020, các cơ quan thực thi pháp luật của EU ghi nhận hơn 1.300 vụ việc liên quan khoảng 15.000 người di cư bất hợp pháp băng qua eo biển Manche tới Anh trên những chiếc thuyền nhỏ. Bất chấp cảnh báo của nhà chức trách về sự nguy hiểm trên biển với dòng chảy mạnh và nhiệt độ thấp, chỉ riêng tám tháng đầu năm 2021 đã có tới 15.300 người di cư tìm cách vượt biển trái phép, trong đó 3.500 người được các lực lượng chức năng cứu trong tình trạng nguy hiểm trước khi được đưa trở lại Pháp.

Chính phủ Anh cũng công bố số liệu cho thấy, lượng người di cư tìm cách vượt biển Manche từ Pháp sang Anh đang tăng lên mức cao chưa từng thấy. Theo Bộ Nội vụ Anh, riêng trong ngày 3/11 vừa qua, lực lượng chức năng Anh đã giải cứu và chặn lại 853 người di cư. Đây là kỷ lục mới được ghi nhận về số người vượt biên qua eo biển Manche trong một ngày. Nguyên nhân con số này tăng cao được cho là do người di cư cố gắng tận dụng thời tiết thuận lợi trước khi mùa đông lạnh giá tới để vượt biển. Các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh trở lại cũng là nguyên nhân khiến số người di cư bất hợp pháp ngày một tăng cao.

Mạng lưới tội phạm thường lợi dụng các thủ tục xin tị nạn cùng các kẽ hở trong luật nhập cảnh và hợp pháp hóa việc lưu trú tại các nước EU làm công cụ hoạt động. Lượng lớn người di cư bị mắc kẹt tại các nước quá cảnh do các biện pháp phòng, chống Covid-19 trở thành “con mồi” đem tới hàng triệu euro cho các mạng lưới tội phạm. 

Những kẻ buôn người coi người di cư như hàng hóa, nên để tối đa hóa lợi nhuận, chúng không quan tâm các rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người di cư. Chúng thường sử dụng bạo lực trực tiếp hoặc đe dọa bạo lực đối với người di cư, chống lại các nhân viên thực thi pháp luật và đôi khi gây chiến với những kẻ buôn người khác hoạt động trong cùng địa bàn. 

Những đề xuất ngăn chặn mới

Anh triển khai kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cảnh sát tuần tra các bờ biển, đồng thời cam kết chi hơn 62 triệu euro trong giai đoạn 2021-2022 giúp Pháp ngăn dòng người vượt biên trái phép. Trong khi đó, phía Pháp đề xuất sửa đổi các quy chế tị nạn, áp đặt án tù nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng buôn người và đối với chính những người vượt biên bất hợp pháp.

 Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết, Dự luật Quốc tịch và biên giới của Chính phủ Anh sẽ là giải pháp dài hạn góp phần giải quyết vấn đề người di cư nhập cảnh bất hợp pháp. Dự luật được kỳ vọng sẽ giải quyết những lỗ hổng trong pháp luật, vốn khuyến khích người di cư thực hiện hành trình nguy hiểm để tìm tới Anh. Theo đó, các đơn xin tị nạn tại Anh sẽ bị từ chối nếu người di cư đến Anh bằng phương tiện mà Chính phủ Anh coi là bất hợp pháp, và những đối tượng hỗ trợ di cư bất hợp pháp bằng đường biển đến Anh sẽ đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân.
 
 Sau thảm kịch 27 người thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư hôm 24/11 ở ngoài khơi bờ biển miền bắc nước Pháp, Anh và Pháp cùng các nước trong khu vực tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng người di cư vượt biên vào Anh qua biển Manche. Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, các bộ trưởng phụ trách vấn đề người di cư của Pháp, Đức, Hà Lan và Bỉ đã họp và nhất trí triển khai một máy bay giám sát của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) hoạt động cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ cảnh sát. 
 
 Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, EU sẽ trừng phạt các công ty du lịch và vận tải liên quan việc đưa người di cư vượt biên trái phép vào các nước của khối này. Ba Lan lên kế hoạch chi khoảng 410 triệu USD để xây dựng bức tường ở biên giới giáp với Belarus, nhằm ngăn chặn dòng người di cư chủ yếu từ Trung Đông tập trung tại biên giới Belarus để tìm cách đến Ba Lan và di chuyển xa hơn tới các quốc gia EU. 
 
 Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, cũng như tốc độ nhanh hay chậm của chương trình tiêm chủng ở các quốc gia là những yếu tố tiếp tục thúc đẩy nhiều người sẵn sàng di cư từ những nước có hệ thống y tế kém phát triển tới các quốc gia giàu có hơn. Một khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nạn buôn người xuyên quốc gia còn tiếp diễn mạnh. Hơn nữa, không gian mạng đóng vai trò là môi trường thuận lợi cho hoạt động buôn người di cư trong tất cả các khâu từ quảng cáo, mời chào người di cư bất hợp pháp, đến hướng dẫn và chia sẻ các tài liệu, chỉ dẫn giả liên quan hành trình di cư. 
 
 EU đã ban hành kế hoạch hành động mới để chống buôn người di cư giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU và các cơ quan thực thi pháp luật của EU để điều tra, truy tố các mạng lưới buôn người nhập cư. EU nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực điều tra các hoạt động tài chính, làm giấy tờ bất hợp pháp, phối hợp thu hồi tài sản phạm pháp. 
 
 Kế hoạch hành động mới của EU cũng thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các nước dọc theo các tuyến đường di cư tới châu Âu. Các nước thành viên của khối đặt ra mục tiêu tăng cường hỗ trợ các nước xuất phát của người di cư không chỉ trong việc hồi hương công dân mà còn tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư.