Cuộc khủng hoảng “hòn tuyết lăn”

Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh đây là phương án cuối cùng sau khi quốc gia này không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, đất nước phải bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt và đối mặt hàng loạt thách thức kinh tế, chính trị, xã hội sâu rộng. 

Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka. Ảnh: GETTY IMAGES
Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka. Ảnh: GETTY IMAGES

Quản lý kinh tế không hiệu quả

Theo AFP, cuộc khủng hoảng kinh tế “hòn tuyết lăn” diễn ra tại Sri Lanka bắt đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng của đất nước từ du lịch và kiều hối. Chính phủ Sri Lanka đã buộc phải áp đặt lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi nhằm bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ vốn ngày càng cạn kiệt, để tích trữ phục vụ cho việc chi trả các khoản nợ nước ngoài.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng diễn ra khắp đất nước. Ngày 31/3, nhiều trạm xăng, dầu trên cả nước cạn kiệt dầu diesel, khiến hoạt động vận tải công cộng bị tê liệt. Một ngày trước đó, Công ty Điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ do thiếu dầu cho các nhà máy nhiệt điện.

Tập đoàn Dầu khí Ceylon (CPC) do Nhà nước điều hành, chiếm hai phần ba thị trường bán lẻ nhiên liệu tại Sri Lanka, ngày 15/4 thông báo lệnh cấm bán lẻ xăng hoặc dầu diesel vào các can chứa. Người sở hữu xe máy chỉ được mua tối đa bốn lít xăng một lần, số lượng này ở xe ba bánh là năm lít. Người lái ô-tô cá nhân và xe tải được phép mua 19,5 lít xăng hoặc dầu diesel một lần. Theo số liệu của AFP, kể từ tháng 3, ít nhất tám người Sri Lanka chết khi chen lấn xếp hàng chờ mua nhiên liệu. 

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Mahinda Siriwardena cho rằng, những sự kiện gần đây bao gồm đại dịch Covid-19 và tác động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm xói mòn vị thế tài chính của Sri Lanka. Đối mặt thực tế khó khăn này, ông Siriwardena cho biết, Chính phủ Sri Lanka đã tiếp cận Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận hỗ trợ thiết kế một chương trình phục hồi kinh tế và tài chính khẩn cấp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Nam Á như “hòn tuyết lăn”, ngày càng tích tụ khó khăn từ sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều năm vay nợ tích lũy cũng như các chính sách cắt giảm thuế không khéo léo. 

Hindustan Times cho hay, Sri Lanka đã buộc phải kêu gọi công dân ở nước ngoài gửi tiền về nước để hỗ trợ người dân trong nước trang trải nhu cầu lương thực và nhiên liệu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe ngày 13/4 kêu gọi công dân ở nước ngoài hỗ trợ đất nước trong thời khắc khó khăn bằng cách gửi kiều hối. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết, các tài khoản quyên góp đã được lập tại các ngân hàng ở Mỹ, Anh và Đức, đồng thời cam kết số tiền quyên góp sẽ được sử dụng đúng mục đích là để mua nhu yếu phẩm như lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Chính phủ Sri Lanka thông báo không có khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD và tuyên bố vỡ nợ. Chính phủ nước này cho biết, giữ lại 200 triệu USD tiền phải trả lãi vào ngày đáo hạn 18/4 và sẽ dùng số tiền này để thanh toán cho nhu yếu phẩm nhập khẩu.

Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức. Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry thậm chí đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này. Đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hàng nghìn người tổ chức cắm trại bên ngoài Phủ Tổng thống ở Thủ đô Colombo để kêu gọi Tổng thống từ chức.

Hệ lụy kéo theo

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 5 triệu người Sri Lanka đã rơi vào cảnh nghèo đói, tương đương số người đã thoát nghèo trong suốt 5 năm trước đó ở quốc gia Nam Á này. Tính đến cuối tháng 3/2022, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, trong khi số nợ nước ngoài phải trả trong năm 2022 là bốn tỷ USD, trong đó gồm gần một tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn trong tháng 7 tới. 

India Times đăng tải bài phân tích điều gì sẽ xảy ra sau khi Sri Lanka, hoặc bất kỳ chính phủ nào trên thế giới, tuyên bố vỡ nợ. Tình trạng vỡ nợ có thể kéo theo bất ổn trong mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Các vụ vỡ nợ của chính phủ dẫn đến lạm phát tăng vọt, thất nghiệp và áp lực chính trị đối với giới cầm quyền, cũng giống như những áp lực mà họ phải hứng chịu trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác. 

Một lượng lớn tiền được rút ra khỏi các ngân hàng xuất phát từ sự hoang mang và thiếu niềm tin của dân chúng. Các biện pháp kiểm soát vốn được đưa ra để ngăn chặn điều này, trong đó có việc chính phủ cố gắng giới hạn số tiền mà mỗi người có thể rút. Để tránh khủng hoảng, các ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa gần 20 ngày hồi tháng 6/2015, chuyển khoản sang các ngân hàng nước ngoài bị hạn chế và số tiền mặt được rút bị giới hạn ở mức 50 euro mỗi ngày đối với một người.

Một hệ quả khó tránh khỏi khác khi một quốc gia vỡ nợ là thiếu khả năng tiếp cận thị trường tín dụng. Việc vỡ nợ khiến đất nước sẽ phải trả một mức lãi suất cao cho khoản vay, hoặc thậm chí sẽ không nhận được bất kỳ khoản vay nào cả. Xếp hạng tín dụng của quốc gia bị vỡ nợ sẽ bị ảnh hưởng, cản trở đầu tư nước ngoài vào quốc gia này. Mức tín dụng của Sri Lanka đã bị nhiều tổ chức hạ xuống từ năm 2021, khiến quốc gia Nam Á gần như không thể tiếp cận được vốn nước ngoài để có thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa. Sự cạn kiệt các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu, thuốc men… là kết quả tất yếu.

India Times lưu ý rằng, trên thực tế, khi nói một đất nước vỡ nợ là chưa chính xác. Chính phủ, chứ không phải đất nước đó, vỡ nợ. Việc một chính phủ không có khả năng hoặc miễn cưỡng hoàn thành các khoản nợ của mình dẫn đến vỡ nợ. Không ít trường hợp khi đảng cầm quyền ở một quốc gia thay đổi, chính phủ mới không trả được khoản nợ mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Có nhiều lý do khiến một quốc gia vỡ nợ, như sự đảo ngược của dòng tiền toàn cầu và nguồn thu không đủ. Thí dụ, vụ vỡ nợ khoản vay 7,9 tỷ USD của Jamaica vào năm 2010 là do bội chi của chính phủ và sự suy giảm của ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước là du lịch.

Mặc dù có vẻ như việc vỡ nợ là một điều không phổ biến, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều từng rơi vào cảnh nợ nần không thể trả hoặc buộc phải cơ cấu lại các khoản nợ tại một số thời điểm. Hy Lạp là quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ đối với khoản vay từ IMF. Tây Ban Nha đã vỡ nợ nhiều lần nhất, với 15 lần trong khoảng thời gian từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19.

Các quốc gia thành viên của IMF thường tìm kiếm một gói cứu trợ từ tổ chức này trước khi rơi vào tình trạng vỡ nợ với các khoản vay không thể trả, vì IMF không chỉ cung cấp các nguồn tài chính mà còn cả kinh nghiệm kỹ thuật để xử lý chương trình cứu trợ. Tuy nhiên, tiền cứu trợ không bao giờ đến tay các chính phủ mà không có các ràng buộc, chẳng hạn như buộc phải “thắt lưng buộc bụng” nhằm giảm chi tiêu. 

Các tài sản được chủ nợ thu hồi trong trường hợp một cá nhân hoặc công ty phá sản. Tài sản của một quốc gia thường không thể bị chủ nợ tịch thu khi không thể thanh toán trong thời gian vỡ nợ. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn xảy ra khi các tài sản của quốc gia vỡ nợ nằm ở nước ngoài. Khi Argentina vỡ nợ vào năm 2012, tàu huấn luyện hải quân của nước này đóng tại Ghana vào thời điểm đó đã bị thu giữ. Lựa chọn duy nhất của chủ nợ thường là thương lượng lại các điều kiện của khoản vay. Trái phiếu chính phủ sẽ được điều chỉnh lại để hoãn thanh toán.