Cuộc chiến dài hơi nhất của nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nước này và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu rút quân khỏi một số căn cứ ở Afghanistan từ ngày 1-5 vừa qua, khép lại cuộc chiến dài hơi nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết, khối quân sự này sẽ hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Afghanistan trong vòng vài tháng. 

Những nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã được rút khỏi Afghanistan. Ảnh: REUTERS
Những nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã được rút khỏi Afghanistan. Ảnh: REUTERS

Hai thập kỷ tham chiến

Theo The Washington Post, từ năm 2001, Mỹ và đồng minh phương Tây đã đưa quân đội vào Aghanistan với mục tiêu chính là lật đổ chế độ hà khắc của lực lượng Taliban, tiêu diệt tận gốc các phần tử khủng bố al-Qaeda khi tổ chức này sử dụng Aghanistan làm bàn đạp để thực hiện các vụ tiến công khủng bố kinh hoàng vào ngày 11-9-2001 tại “xứ cờ hoa”.

Sau khi phần nào đã xóa bỏ sự thống trị của Taliban, sứ mệnh của Mỹ cùng các đồng minh chuyển từ “chống khủng bố” sang kiến tạo hòa bình, tái thiết một quốc gia đa sắc tộc nhiều mâu thuẫn và nghèo đói. Đỉnh điểm năm 2011, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan đã duy trì xấp xỉ 130.000 binh sĩ, riêng số lính Mỹ là hơn 100.000 người. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Mỹ và các đồng minh, Taliban vẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở nông thôn. Nền dân chủ tại Afghanistan mà Mỹ muốn tạo dựng mới chỉ hiện diện một phần đâu đó ở Thủ đô Kabul và một số thành phố lớn. 

Thống kê cho thấy, đã có hơn 2.500 binh sĩ, nhân viên nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm qua, cộng thêm hơn 100 nghìn dân thường Afghanistan và 1.000 quân đồng minh của Mỹ thiệt mạng. Chi phí Mỹ đã bỏ ra cho cuộc can dự quân sự này lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Mỹ và các đồng minh đã mất quá nhiều thời gian mới kịp nhận ra rằng đó là cuộc chiến mà họ “không thể giành chiến thắng”, cũng không thể tạo dựng một đất nước theo đúng cách mà Mỹ mong muốn. Cuộc chiến ở Afghanistan đã trải qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Trước ông Joe Biden, ba người tiền nhiệm là ông George W.Bush, Barack Obama và Donald Trump cũng đều chịu sức ép phải rút quân khỏi Afghanistan.

Chính quyền Mỹ cho rằng, nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban, lực lượng này sẽ duy trì cam kết ngừng bắn và hoạt động như một phe phái chính trị. Do đó, từ tháng 7-2018, Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với đại diện cấp cao của Taliban. Sau chín vòng đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, theo đó Mỹ sẽ rút dần hiện diện quân sự tại Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết không để các nhóm phiến quân khủng bố khác như al-Qaeda hay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tiến công Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, việc đi đến ký kết thỏa thuận cuối cùng đã bị gián đoạn do Taliban gia tăng hành động bạo lực. Tháng 12-2019, Tổng thống Donald Trump đột ngột ra quyết định rút toàn bộ cố vấn quân sự và binh sĩ Mỹ ở Syria. Quyết định này cũng có thể được xem là cuộc “tổng diễn tập” cho việc rút quân đội Mỹ khỏi các điểm nóng khác trên thế giới, trong đó có Afghanistan.

Khoảng trống an ninh

Ngày 23-4 vừa qua, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin nước này bắt đầu thực hiện các chuyến vận chuyển thiết bị quân sự ra khỏi Afghanistan. Cùng ngày, người phát ngôn Lầu năm góc John Kirby đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết các thiết bị quân sự sẽ được đưa về Mỹ, triển khai đến các khu vực khác trên thế giới, hoặc chuyển giao cho lực lượng an ninh Afghanistan, hoặc bị phá hủy. Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chi tiết về việc rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. 

Theo đó, từ ngày 1-5 Mỹ đã rút quân và sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi lãnh thổ Afghanistan vào ngày 11-9, đúng dịp tưởng niệm 20 năm xảy ra vụ tiến công khủng bố 11-9-2001. Theo thỏa thuận được ký kết giữa chính quyền cựu Tổng thống Mỹ D. Trump và Taliban tại Doha (Qatar) hồi tháng 2-2020, Mỹ sẽ từng bước rút toàn bộ binh sĩ tại Afghanistan nếu Taliban cam kết không cho phép các lực lượng khủng bố hoạt động ở đây đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. 

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến Mỹ buộc phải rút quân là do chính sách của nước này tại Afghanistan trong suốt hai thập kỷ qua đã không đạt được kết quả như mong đợi. Mỹ muốn tạo ra “một Iraq thứ hai” bằng cách tăng cường hoạt động quân sự, kiểm soát quân đội và an ninh, song cái giá phải trả là hàng chục nghìn người thiệt mạng và tiêu tốn hàng trăm tỷ USD. Bên cạnh đó, tình hình tại Afghanistan cũng trở nên bất ổn hơn từ khi Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan năm 2014, trao quyền kiểm soát đất nước cho chính quyền Kabul. Sau đó, lực lượng Taliban trỗi dậy mạnh mẽ, liên tục tổ chức các cuộc tiến công quy mô lớn vào các thành phố chiến lược, căn cứ của Mỹ tại Afghanistan. Hiện, Taliban kiểm soát 70% trong tổng số 399 quận của Afghanistan, với dân số khoảng 15 triệu người. Ở nhiều tỉnh của Afghanistan, Taliban hình thành cấu trúc nhà nước khá ổn định, với các đơn vị cảnh sát và cơ quan thuế, làm suy yếu đáng kể chính quyền hợp pháp, khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, IS cũng lên kế hoạch tìm kiếm lãnh thổ mới ở phía đông Afghanistan, nhằm mục đích biến quốc gia này thành “bàn đạp” cho các hoạt động khủng bố ở Trung - Nam Á. Theo AP, từ tháng 8-2019 đến nay, đã có khoảng 5.000 chiến binh dưới vỏ bọc người tị nạn, hồi hương và người lao động di cư, đã thâm nhập lãnh thổ Afghanistan.

Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể để lại khoảng trống quyền lực, do lực lượng của chính quyền Kabul chưa đủ sức gánh vác nhiệm vụ bảo an. Ngày 14-5, các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã gặp nhau tại Thủ đô Doha  của Qatar để thảo luận việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình đang rơi vào bế tắc. 

Và bạo lực không ngừng gia tăng ở Afghanistan kể từ khi Mỹ bỏ qua hạn chót rút toàn bộ binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào ngày 1-5 vừa qua theo thỏa thuận với Taliban. Hiện nay, Mỹ và NATO tiếp tục xúc tiến kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Theo đó, khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ, 7.000 binh sĩ NATO sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 tới.

Trong gần 20 năm xung đột tại Afghanistan, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Từ tháng 9 năm ngoái, các tay súng Taliban và Chính phủ Afghanistan đã tiến hành các cuộc hòa đàm, nhưng tiến độ chậm chạp bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về Afghanistan vào cuối tháng trước, nhưng sự kiện này bị hoãn vô thời hạn do Taliban từ chối tham dự.