Công trình thế kỷ của Saint Petersburg

Được đưa vào khai thác ngày 12-8-2011, Tổ hợp đập chắn lũ bảo vệ TP Saint Petersburg (Nga), hay ngắn gọn là đập Saint Petersburg, là một trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Đập Saint Petersburg không chỉ là niềm tự hào của nước Nga, mà còn được ghi nhận là một trong những công trình trị thủy, ngăn lũ hiện đại bậc nhất thế giới.

Một trong sáu công trình xả nước của Tổ hợp đập chắn lũ. Ảnh: THANH THỂ
Một trong sáu công trình xả nước của Tổ hợp đập chắn lũ. Ảnh: THANH THỂ

Hơn 30 năm xây dựng

Để nước từ biển Baltic không tràn vào nhấn chìm Saint Petersburg, nơi có hàng loạt công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử tầm cỡ thế giới, chính quyền Liên Xô (trước đây) đã quyết định thực thi một dự án táo bạo là xây dựng Tổ hợp đập chắn lũ bảo vệ Saint Petersburg. Dự án này phải mất tới hơn 30 năm để hoàn thành, được xem là một trong những dự án kéo dài nhất của Nga. 

Đập Saint Petersburg được khởi công từ năm 1978 và kéo dài đến tháng 8-2011. Công trình từng bị ngưng trệ do biến động của nước Nga những năm 90 của thế kỷ trước, dù khi đó công việc đã hoàn thành tới 60%. Công trình bị “đắp chiếu” suốt những năm 90 và công tác xây dựng chỉ được tích cực nối lại vào năm 2005, nhờ sự thúc đẩy của Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Là một trong các công trình trị thủy vĩ đại nhất thế giới, Tổ hợp đập chắn lũ Saint Petersburg ước tính trị giá gần năm tỷ USD vào thời điểm hoàn thành, được xây dựng ở độ cao 8 m so với mặt nước biển. Công trình có tổng chiều dài 25,4 km, trong đó hơn 22 km được xây dựng trên mặt nước, đi qua vịnh Phần Lan. Cùng 11 con đập chắn nước (từ D-1 đến D-11) được kè đá kiên cố, tổ hợp được liên kết bằng sáu cụm cửa xả nước (từ V-1 đến V-6) và hai cửa giao thông thủy dành cho tàu bè qua lại (S-1 và S-2). 

Sáu cụm cửa xả nước bao gồm 64 phân đoạn, mỗi đoạn dài 27 m. Số lượng và vị trí xây dựng sáu cụm cửa xả nước này được xác định dựa trên kết quả tính toán, quan sát thực địa và nghiên cứu thực hiện trên các mô hình thủy lực. Độ sâu mực nước tại các cửa xả từ 2,5 - 5 m. Kết cấu mỗi cửa xả bao gồm các cống phân đoạn, hệ thống điện - thủy lực và các van phân đoạn. Trong điều kiện bình thường, các cửa xả được duy trì ở chế độ mở, nâng lên khỏi mặt nước, cho phép không cản trở việc trao đổi nước tự do giữa vịnh Phần Lan và vùng cửa sông Neva. Trong điều kiện lũ lụt, triều cường hoặc băng tan làm mực nước dâng cao, hệ thống cửa xả được hạ xuống ngưỡng nhất định, thành các nút van đóng chặt cửa xả. Lúc này nước từ vịnh Phần Lan được ngăn chặn hoàn toàn, không thể tràn vào cửa sông Neva, đe dọa nhấn chìm thành phố.

Đặc biệt, Tổ hợp đập chắn lũ Saint Petersburg còn có một tuyến đường hầm chạy ngầm dưới hai cửa giao thông thủy, với sáu làn đường hiện đại, tạo thành một tổng thể xuyên suốt, nối liền hai bờ nam - bắc vịnh Phần Lan. Chiều dài hơn 25 km của tổ hợp cũng đồng thời trở thành tuyến đường cao tốc với bảy cây cầu đường bộ, góp phần nâng cấp đáng kể tuyến đường vành đai của Saint Petersburg, giúp giao thông thuận tiện từ đất liền ra đảo Kotlin và TP Kronstadt nằm trên hòn đảo này.

Tổ hợp đập chắn lũ ngoài chức năng chính là bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt, còn là tuyến đường bộ cao tốc, một tuyến đường vành đai quan trọng của Saint Petersburg, hòa vào mạng lưới kênh rạch biển, góp phần phát triển giao thông đường bộ, đường thủy cũng như bảo đảm an toàn môi trường biển. Trong tổng thể hệ thống đập Saint Petersburg, hai cửa giao thông thủy được đánh giá là những cụm công trình trọng yếu nhất, gồm cả tuyến hầm đường bộ, liên kết thành một trung tâm giao thông công nghệ cao thống nhất. Cửa giao thông thủy S-1 rộng 200 m, độ sâu mực nước tại ngưỡng cửa là 16 m. Cửa giao thông thủy S-2 rộng 110 m và độ sâu tại đây là 7 m. Hai cửa giao thông thủy này được thiết kế cho phép tàu thuyền qua lại quanh năm, từ đây tiếp tục đi đến cảng lớn Saint Petersburg. Hai tuyến đường hầm gồm sáu làn xe chạy bên trong lòng vịnh Phần Lan, bên dưới hai cửa giao thông thủy kể trên, có tổng chiều dài 1.961 m. Điểm thấp nhất của tuyến đường hầm nằm ở độ sâu 28 m dưới mặt nước. 

“Hàng rào” kiên cố

Sau 10 năm vận hành, đập Saint Petersburg đã và đang chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược trong tổng thể phát triển của toàn vùng tây bắc nước Nga, nhất là trong nhiệm vụ ngăn lũ cho “Thủ đô phương Bắc”. Trước nguy cơ lũ lụt cao, toàn bộ sáu cửa xả và hai cửa giao thông thủy của đập Saint Petersburg được đóng lại, tạo thành một “hàng rào” hoàn hảo và kiên cố, có khả năng giữ mực nước dâng cao đến 5,4 m. 

Theo trình tự, khi nhận được thông tin từ Hệ thống cảnh báo lũ lụt về sự gia tăng mực nước, Ban Giám đốc Tổ hợp cảnh báo với lãnh đạo cảng lớn Saint Petersburg ít nhất ba giờ về mối đe dọa của lũ lụt và việc tạm ngừng hoạt động hàng hải. Tổ hợp được kích hoạt thành “hàng rào” chắn lũ theo thứ tự hai cửa S-1 và S-2 được đóng đầu tiên. Tiếp đó, sáu cửa xả nước từ V-1 đến V-6 được đóng lại, tạo thành một con đê hùng vĩ ngăn nước.

Ông Igor Polishchuk, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp đập chắn lũ Saint Petersburg cho biết, trong 10 năm qua, công trình đã ngăn chặn ít nhất 26 trận lũ. Với mỗi thiên tai, ước tính khi mức nước dâng cao hơn 2,1 m, thành phố đứng trước nguy cơ ngập lụt vô cùng nghiêm trọng, tổn thất có thể lên tới 1,6 tỷ USD. Các công trình thuộc tổ hợp chống lũ của thành phố luôn ở trong tình trạng sẵn sàng trước các đợt tiến công của triều cường. Khoảng 68 giờ đồng hồ trước khi nước biển dâng và tràn vào thành phố, hệ thống cảnh báo lũ lụt sẽ liên tục xử lý dữ liệu và lên các phương án triển khai từ bốn đến sáu tiếng mỗi lần. “Chúng tôi có trách nhiệm phối hợp cùng Bộ Tình trạng khẩn cấp đưa ra quyết định về thời điểm đóng và mở tổ hợp đập chắn lũ sao cho phù hợp nhất. Thời gian đóng đập kéo dài tối đa 41 giờ, dù thời gian thiết kế để toàn bộ công trình với các cửa xả được đóng lại lâu nhất lên tới 48 giờ. Lý do là nếu đóng đập lâu hơn có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt từ chính mực nước sông trong thành phố”, ông Igor Polishchuk cho biết thêm.

Công tác bảo trì, kiểm tra, sửa chữa Tổ hợp đập chắn lũ Saint Petersburg cũng được chú trọng đặc biệt. Tất cả các cụm công trình thuộc tổ hợp đều được lên kế hoạch bảo trì định kỳ. Trong đó, hoạt động của các thiết bị cơ khí trong giai đoạn thu - đông, khi mối đe dọa triều cường dâng cao, được chú trọng hơn cả. Việc kiểm tra bảo dưỡng cũng đòi hỏi sự phối hợp toàn diện của nhiều cơ quan, gồm cả cảng lớn Saint Petersburg - một hải cảng với lượng hàng hóa khổng lồ trung chuyển qua đây mỗi ngày.

Kể từ khi được Sa hoàng Pyotr Đại Đế thành lập vào năm 1703, TP Saint Petersburg trải qua chiều dài lịch sử hơn 300 năm, với hơn 300 trận lũ lụt, trong đó ba trận thảm khốc nhất vào các năm 1777, 1824 và 1924, khi mực nước lần lượt dâng cao đến 3,21 m, 4,21 m và 3,8 m, nhấn chìm nhiều nhà cửa, công trình và cướp đi hàng trăm sinh mạng. Giờ đây, với các kỹ thuật thủy văn hiện đại nhất, tổ hợp đập chắn lũ được xem là công trình thế kỷ của Saint Petersburg. Công trình này hôm nay không chỉ là “tấm khiên” bảo vệ người dân và những di sản văn hóa bên bờ sông Neva, mà còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện lưu lượng giao thông, hoàn thiện hệ thống hơn 140 km đường vành đai của thành phố cảng. 

Lịch sử thành phố như bước sang trang mới kể từ khi tổ hợp chắn lũ được Tổng thống Nga V.Putin và giới chức thành phố cắt băng khánh thành vào ngày 12-8-2011. Là công trình hiện đại và hùng vĩ nhất bảo vệ Saint Petersburg trước lũ lụt, Tổ hợp đập chắn lũ Saint Petersburg cũng là kết quả của những ý tưởng khoa học táo bạo nhất, thể hiện kỹ thuật trị thủy hiện đại nhất của Nga. Công trình thật sự là niềm tự hào không chỉ của riêng thành phố, mà còn của toàn nước Nga. Với tổ hợp đập chắn lũ hùng vĩ mang tên thành phố, người dân Saint Petersburg có cơ sở để tin tưởng “Venice của nước Nga” sẽ kiên cường trước những cơn bão lũ.