Đèo còn có tên là Ô Quy Hồ, hoặc đèo Hoàng Liên, nằm trên quốc lộ 4D, trong đó hai phần ba quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu) và phần còn lại nằm ở thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ở độ cao khoảng 2.000 m so mực nước biển, với chiều dài gần 50 km, con đèo được coi là “vua” của các đèo ở Việt Nam, là niềm khát khao chinh phục của không ít bước chân đam mê xê dịch.
Có một truyền thuyết được cho là của người H’Mông bản địa về nguồn gốc của tên đèo. Xưa có nàng tiên nhà trời và chàng tiều phu yêu nhau nhưng chẳng đến được với nhau, chàng trai bị biến thành con rùa đen dưới một dòng thác trên đỉnh đèo, còn nàng vì thương nhớ mà hóa một loài chim chiều chiều bay qua đèo kêu lên da diết: “Ô Quy Hồ! Ô Quy Hồ!...”. Mô-típ chuyện tình lãng mạn và bi thương này khá phổ biến trong nhiều nền văn hóa, nên khi đứng trên đỉnh Ô Quý Hồ lộng gió và ngắm nhìn biển mây trắng tinh khôi ôm ấp những dãy núi xanh thẳm sừng sững đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, người ta dường như cũng trở nên rung cảm hơn…
Điểm cao nhất của đèo được gọi là “cổng trời”, nơi mát mẻ và mây phủ gần như quanh năm, tưởng chừng chỉ cần chìa tay ra là chạm vào được những đám mây mềm xốp. Do đặc điểm độ cao và hướng gió, thời tiết ở hai bên “cổng trời” mang đến trải nghiệm độc đáo. Giữa mùa hè, phía Lai Châu nắng vàng chói chang, trời quang đãng, nhìn rõ những con đường như sợi chỉ uốn lượn quanh các sườn núi, bên cạnh bờ vực sâu không đáy. Phía Lào Cai thì mù sương, núi non trập trùng ẩn hiện sau những dải mây bồng bềnh. Mùa đông cũng vậy, bên Sa Pa luôn lạnh giá hơn, thậm chí có tuyết rơi, băng phủ, trong khi phía Tam Đường nắng ấm, rét ngọt. Những ai ham khám phá có thể chạy xe máy qua hết con đèo để cảm nhận những khúc cua tay áo quanh co, hiểm trở bậc nhất miền bắc. Con đường từng là “ác mộng” của những tài xế đường dài, nay đã được sửa sang, nâng cấp và trở thành địa điểm lý tưởng để thỏa sức ngắm đồi núi, nương ngô, những thửa ruộng bậc thang lấp lánh trong nắng, hay những bản làng cheo leo nơi lưng trời.