Đua nhau “bức tử” ao hồ
Điển hình như tình trạng nhiều người dân cố tình đổ rác thải xuống khu vực hồ Đầm Đỗi, khu vực giáp ranh giữa phường Định Công, phường Thịnh Liệt, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Theo phản ánh, nhiều năm trở lại đây, một số đối tượng đã đổ rác thải là vật liệu xây dựng hòng lấn lòng hồ rồi dựng tôn với diện tích hàng trăm m2 vây quanh.
Cũng tại quận Hoàng Mai, Đầm Bông nằm trên phường Định Công từ lâu cũng trở thành “điểm nóng” về lấp hồ, xây dựng nhà trái phép. Đầm Bông có diện tích 3,5ha, nằm trong quy hoạch khu công viên hồ điều hòa. Tuy nhiên, sau nhiều năm quy hoạch “treo”, phần lớn diện tích Đầm Bông đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà xưởng, kho, bãi. Diện tích mặt nước từ chỗ rộng 3,5ha thì nay đã thu lại chỉ còn khoảng 500m2.
Tại khu vực Hồ Ngòi, sát với chung cư Mulberry Lane thuộc địa phận phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo người dân phản ánh, trước đây, Hồ Ngòi điều tiết nước cho khu vực dân cư ở đây. Nhưng từ năm 2018, nhiều hộ kinh doanh ngang nhiên lấn chiếm bằng hình thức đổ đất, cát, phế thải xây dựng để chia hồ làm hai. Trên phần đất lấn chiếm này được dựng nhà tạm bằng tôn mở để kinh doanh quán bia, tiệm sửa xe, dịch vụ câu cá, quán nước…
Đặc biệt, đáng chú ý là ao Thùy Dương có diện tích 4.000m2, tại phường Quảng An. Năm 1996, Hà Nội đã từng giao ao này cho Công ty Vạn Thiện thuê 30 năm để làm khuôn viên ao cá cây cảnh. Tuy nhiên, do có nhiều vi phạm nên thành phố đã thu hồi và giao quận Tây Hồ quản lý để xây dựng công trình công cộng. Khi chưa kịp triển khai, ven hồ lại “mọc” lên hàng chục hàng quán, buộc quận cưỡng chế, tháo dỡ 13 công trình xây dựng trái phép. Cùng trên địa bàn phường Quảng An, hồ Đầm Trị hay còn gọi là ao Thủy Sứ cũng xảy ra tình trạng tương tự. Với diện tích mặt nước khoảng 7ha, nhưng vài năm gần đây hồ đã bị thu hẹp đáng kể bởi tình trạng hàng quán, nhà dân… thi nhau lấn chiếm.
Tình trạng lấn chiếm, “bức tử” ao hồ không chỉ phổ biến ở quận nội thành mà còn diễn ra tại nhiều khu vực ngoại thành của Hà Nội. Điển hình là dọc tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Đông Anh thuộc các xã Hải Bối, Võng La đất công do xã quản lý nhưng đã giao cho một số cá nhân thầu khoán theo hợp đồng.
Đây chỉ là vài thí dụ cho thấy thực trạng đáng báo động của việc ao hồ Hà Nội bị san lấp, “bức tử”. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể diện tích ao hồ ở Hà Nội bị san lấp trái phép trong những năm qua. Nhưng một thực tế, lợi ích từ hoạt động này chỉ số ít cá nhân được hưởng, còn phần diện tích ao hồ hay dòng sông bị san lấp thì rất khó nếu như không muốn nói là không thể khôi phục nguyên trạng ban đầu.
Hệ lụy và giải pháp
Theo thống kê, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Giai đoạn từ năm 2015-2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm còn hơn 203ha bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xóa sổ. Các chuyên gia môi trường cho rằng, tình trạng san lấp ao hồ sẽ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường chung quanh. Điều này khiến cho thủy sinh hồ mất cân bằng, môi trường sống bị ô nhiễm, nảy sinh bệnh dịch. Đặc biệt, ao hồ tự nhiên có tác dụng như một “túi chứa nước” khi mưa lớn. Khi ao hồ biến mất sẽ gây hiện tượng ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở các khu vực lân cận. Việc tự ý san lấp ao hồ không chỉ là hành vi vi phạm trong quản lý đất đai mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các hoạt động xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần quy trách nhiệm cụ thể với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ ao, hồ. “Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý ở cấp địa phương khiến nhiều diện tích ao, hồ bị lấn chiếm thành nhà ở hoặc thành dự án”, ông Nghiêm nói. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi san lấp ao, hồ trái phép gắn với trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở.
Trước nguy cơ “biến mất” của ao hồ tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành danh sách 3.164 ao, hồ không được san lấp. Việc làm này đã thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc bảo vệ ao, hồ trước nguy cơ “biến mất” do nạn san lấp trái phép. Theo đó việc công khai danh sách ao, hồ không được san lấp sẽ là cơ sở để bảo vệ ao, hồ trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân thực hiện và giám sát, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.