Học giả - chứng chỉ thật

Chỉ với 5 triệu đồng, không cần học, không cần đi thi, học viên dễ dàng có được một chứng chỉ Y sĩ y học cổ truyền với cam kết dấu thật, chứng chỉ thật.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở “dạy học” của ông Nguyễn Hữu Cường tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Cơ sở “dạy học” của ông Nguyễn Hữu Cường tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Công khai rao bán trên mạng xã hội

Nghề xoa bóp bấm huyệt là một lĩnh vực thuộc Y học cổ truyền, người hành nghề cần có kỹ năng, kiến thức cơ bản và phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Vậy nhưng chứng chỉ hành nghề này lại đang được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Tìm kiếm từ khóa “Hỗ trợ chứng chỉ hành nghề y dược” hay “Hội tư vấn làm chứng chỉ hành nghề y dược”… hàng nghìn kết quả xuất hiện trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo với cam kết “bằng cấp chuẩn”, có dấu đỏ và chữ ký của các trường y dược uy tín hiện nay.

Tham gia vào nhóm kín “Hội tư vấn làm chứng chỉ hành nghề y dược” trên Facebook, phóng viên (PV) làm quen được một trang cá nhân mang tên “Làm Bằng Đại Học”, người này tư vấn sẽ cung cấp cho PV bất cứ chứng chỉ y dược mà PV cần có.

Như để tạo thêm niềm tin, Facebook “Làm Bằng Đại Học” này gửi một số chứng chỉ minh họa của các học viên khác với lời mời chào có cả chứng chỉ giả và thật với hai mức giá khác nhau là 2,9 triệu đồng và 5 triệu đồng. Người này nói thêm, với chứng chỉ thật học viên cũng không phải đi học, đi thi mà chỉ cần chuyển trước tiền cọc, trong vòng từ 10-12 ngày (PV) sẽ có trong tay chứng chỉ có dấu đỏ chuẩn và chữ ký thật.

Qua nhiều môi giới, PV tiếp cận được một tài khoản Zalo mang tên lương y Nguyễn Hữu Cường, người này cho biết, có thể làm chứng chỉ đào tạo các khóa học ngắn hạn tại trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh. Cũng giống với các môi giới khác, ông Cường đưa ra những hình ảnh về các chứng chỉ đã làm cho các học viên ông từng làm. Thủ tục vô cùng đơn giản: chỉ cần gửi hình ảnh qua Zalo cho ông và những thông tin cá nhân cơ bản, việc của học viên chỉ là ngồi đợi tới ngày nhận chứng chỉ.

Ông Cường sẽ thu của học viên số tiền 5 triệu đồng, ông giải thích trong đó có 2,8 triệu đồng sẽ gửi về trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh, 1,5 triệu đồng cho thầy giáo (để học hộ và thi hộ), công của ông là 700 nghìn đồng. Ông nhấn mạnh với PV, học viên không phải đến khai giảng và dự bất kỳ buổi học nào, hồ sơ gốc của học viên sẽ được lưu giữ tại trường. Ông cũng nói thêm nếu sau này giới thiệu học viên mới đến ông sẽ “cắt” lại cho PV 700 nghìn đồng.

Nhập vai… “mua” chứng chỉ

Được cung cấp địa chỉ, PV đã tìm đến chỗ của ông Nguyễn Hữu Cường nằm trên con đê Đào Nguyên (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cơ sở dạy học, đào tạo của ông Cường trông giống một “công xưởng” được lợp tôn xanh quây kín chung quanh, phía ngoài có ghi biển hiệu “Vườn thuốc nam thầy Minh Cường” khá sơ sài, không giống một cơ sở đào tạo y học đạt chuẩn theo quy định.

Theo sự hướng dẫn, PV đã chuyển số tiền 3,5 triệu đồng cho ông Cường vào số tài khoản xxxxxx0122 Ngân hàng MB Bank đứng tên Nguyễn Hữu Cường và 1,5 triệu đồng vào số tài khoản xxxxxx0276 Ngân hàng Techcombank của một người phụ nữ nhận là vợ của ông Cường tên là Nguyễn Thị Xuân.

Hoàn thiện xong các “thủ tục nhập học”, ông Cường hẹn trong vòng 10 ngày sẽ có chứng chỉ. Tuy nhiên 10 ngày sau đó không thấy có chứng chỉ, PV đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông Cường hỏi thì được trả lời: “Dạo này họ đang làm chặt nên chưa có”. Sau đó ông Cường tiếp tục cung cấp cho PV số điện thoại của ông Nguyễn Trường Kỳ là thầy giáo tại Trường trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội. PV tiếp tục gọi điện cho ông Kỳ và nói là đang học chỗ ông Cường thì được đáp: “Khi nào có thì sẽ báo”.

Một tháng sau, PV đã nhận được Chứng chỉ đào tạo “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Chữa bệnh không dùng thuốc) bằng xoa bóp bấm huyệt” xếp loại “Giỏi” tại cơ sở đào tạo của ông Cường. Trên chứng chỉ thể hiện số hiệu rõ ràng, thông tin cá nhân đầy đủ, có tem phản quang in chìm chống giả và bảng điểm từng môn học, điểm số, chữ ký và dấu đỏ của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội.

Băn khoăn đây là chứng chỉ giả hay thật, PV tiếp tục điện thoại cho ông Nguyễn Trường Kỳ thì được khẳng định: “Chứng chỉ của cháu đầy đủ tên tuổi, dấu đỏ, chữ ký, dấu của trường, số hiệu, số vào sổ… Làm sao mà làm giả được nên không phải lo. Nếu có ai hỏi thì nói là lớp học tại nhà ông Cường ở Hoài Đức, thầy dạy tên là Nguyễn Trường Kỳ, chứng chỉ của cháu được cấp bởi Trường trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, cứ trả lời như thầy dặn là được”.

Tiếp theo, PV đã liên hệ vào số hotline 0969798775 được công khai trên website của Trường trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội để kiểm chứng. Dựa vào thông tin về khóa học mà ông Nguyễn Trường Kỳ cung cấp, đầu dây hotline của trường đã xác nhận thông tin học viên trên chứng chỉ có nằm trên hệ thống lưu trữ của trường.

Liên quan tới sự việc trên, báo Thời Nay đã gửi giấy giới thiệu liên hệ làm việc với Trường trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh từ ngày 16/10, tuy nhiên đến nay phía trường vẫn không sắp xếp lịch làm việc để cung cấp thông tin.

Y sĩ y học cổ truyền hành nghề xoa bóp bấm huyệt mà không được đào tạo bài bản, thực hành sai cách sẽ đem đến những hậu quả nguy hiểm cho bệnh nhân, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Việc cấp chứng chỉ Y sĩ y học cổ truyền không qua đào tạo cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, không để những y sĩ “rởm” gây hại đến sức khỏe người dân.