Viên gạch nền móng này cũng mở ra những chờ đợi cho việc phát huy công nghệ số để bảo vệ bản quyền trong nhiều lĩnh vực khác.
Từ nỗi đau chung của người sáng tạo...
Trước thực tế nhiều tác phẩm âm nhạc bị "cầm nhầm" hay lãng quên người sáng tác, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng cộng sự đã tạo ra MCM Online - xây dựng hệ sinh thái xuất phát từ khát vọng giải quyết "nỗi đau" chung về vi phạm tác quyền trên internet ngày càng nhức nhối.
"Việc quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành văn hóa sử dụng âm nhạc có bản quyền, khi đó các tác giả sẽ nhận được sự tôn trọng, nâng niu, mang lại sự khích lệ tinh thần cho những người sáng tác âm nhạc. Bên cạnh đó, khát vọng của tôi là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Điều tưởng như hiển nhiên đó lại là mong ước từ rất lâu của nhiều nhạc sĩ…", nhạc sĩ Lê Minh Sơn bộc bạch - "MCM chính là viên gạch đầu tiên, tử tế và minh bạch, dùng công nghệ để bảo vệ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên internet".
Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc MCM được xây dựng bằng hai công nghệ: bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Giải pháp bảo vệ và đánh dấu trên từng bản nhạc giúp tác giả có thể đo đếm chính xác số lượt sử dụng, theo dõi việc phân phối sử dụng tác phẩm trên internet.
Cùng với sự phát triển rực rỡ của internet và công nghệ số thì vấn đề vi phạm bản quyền càng trở nên nhức nhối. Vì vậy, việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng là điều vô cùng cần thiết.
...đến "nút thắt" của giải pháp
Từ lâu, nạn xâm phạm bản quyền đã trở thành "vết thương" khó lành đối với đội ngũ nghệ sĩ, nhà sáng tác, giới đầu tư và đông đảo công chúng. Các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, sách điện tử... hằng ngày, hằng giờ đau đầu với nạn bị xâm phạm tác quyền. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ sử dụng sách điện tử có bản quyền đã ngày càng tăng, vẫn không thể đuổi kịp tỷ lệ dùng sách không có bản quyền. Các bộ phim, game show, chương trình bóng đá… cũng luôn trong "tình trạng SOS" vì bị xâm phạm tác quyền. Các chuyên gia bản quyền nhận định, "vết thương" này sẽ còn lan rộng nếu không kịp thời được "chữa trị".
Phó Cục trưởng Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh cho biết, sự thuận tiện trong môi trường số khiến các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng, rộng rãi hơn, tuy nhiên đó cũng là không gian khiến nạn xâm phạm bản quyền ngày càng nhức nhối. Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cũng chia sẻ, Quốc hội đang xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung quan trọng về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt được chú trọng là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, cùng với sự tham gia các điều ước quốc tế thì chuyện thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền tảng công nghệ sẽ là giải pháp lý tưởng.
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ số để giải quyết nạn bản quyền đã được đặt ra từ lâu, nhưng để biến công nghệ thành chiếc chìa khóa cho sự minh bạch thì vẫn còn nhiều nút thắt. Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia, Covid-19 là "cú huých" cho ngành công nghiệp âm nhạc thu âm toàn cầu khi mảng trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng là 18,5% trong năm 2021. Điều này có tác động lớn cho nghệ sĩ khi họ có thêm được khoản thu nhảy vọt từ bán bản quyền trực tuyến, cũng như ghi nhận xu thế nghe nhạc trực tuyến Streaming (hiện đang chiếm 62% doanh thu) là hình thức phổ biến toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên internet rất phù hợp xu thế quốc tế. Những năm gần đây, tại các diễn đàn do WIPO, CISAC tổ chức đã có những chuyên đề bàn thảo sâu về vai trò của ứng dụng công nghệ mới vào việc sáng tạo nội dung và quản lý tác quyền…
Ông Hân cũng cho rằng, việc có được một công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc của Việt Nam sẽ giải quyết bức xúc của các nhạc sĩ, các nhà sáng tác. Có bảo vệ được bản quyền, minh bạch khi sử dụng tác phẩm mới có thể bảo đảm quyền lợi kinh tế cho các nhà sáng tác, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc phát triển.
Cũng về nội dung giải bài toán khó bằng công nghệ, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy cần nỗ lực sử dụng nhiều hơn các giải pháp công nghệ để bảo vệ bản quyền. Trung tâm bản quyền số bảo vệ bản quyền nội dung số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cũng đã ra đời với hai nhiệm vụ chính: bảo vệ bản quyền số trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong bối cảnh việc vi phạm bản quyền các lĩnh vực này rất phổ biến; bên cạnh đó là khai thác bản quyền số nhằm mục đích phổ biến các sản phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng khác nhau trên mạng, mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sáng tạo nội dung.