Bảo hiểm y tế cần nhiều điều chỉnh

Quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đã làm bộc lộ một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản luật và những yếu tố mới phát sinh. Vì vậy, Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi tới đây đòi hỏi phải có nhiều thay đổi về chính sách chi trả và đối tượng tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Tính
Tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Tính

Chi phí khám chữa bệnh còn cao

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 12/2022, cả nước ta có hơn 91,067 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Bên cạnh đó, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và xã, 80% số trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% tại tuyến xã.

Các chuyên gia đánh giá, chính sách Bảo hiểm y tế hiện nay rất ổn định, với tỷ lệ bao phủ cao, gói quyền lợi đầy đủ, người bệnh tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh dễ dàng, bảo hiểm y tế chi cho khám chữa bệnh ngày càng tăng... Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: một số vấn đề về cơ chế tài chính trong đó có quy định về bảo hiểm y tế chưa tạo động lực, chưa có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của y tế cơ sở; chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán, cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh...

Bà Thanh Hà, Ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) nhận định, Quỹ Bảo hiểm y tế đang đứng trước thách thức khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 90%, chưa bảo đảm cân đối thu chi trong năm, chi nhiều hơn thu. Tỷ lệ bệnh nhân nội trú trái tuyến gia tăng, bệnh nhân khám chữa bệnh tuyến xã giảm, tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng. Tiền túi mà người dân phải bỏ ra khi đi khám chữa bệnh vẫn còn cao, chiếm hơn 39,6% chi phí khám chữa bệnh. "Mục tiêu của chúng ta là phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, tuy hiện nay đã có hơn 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng phát triển 9% còn lại là vô cùng khó khăn. Chúng ta cũng đang và sắp phải đối phó già hóa dân số, đồng nghĩa với người già nhiều, chi phí cho khám chữa bệnh sẽ lớn", bà Thanh Hà phân tích.

Mặt khác, theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế năm 2023 của Chính phủ, vấn đề bất cập của chính sách thông tuyến khám chữa bảo hiểm y tế dẫn đến tình trạng bệnh nhân sử dụng dịch vụ vượt tuyến không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như làm mất vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng của tuyến y tế xã. Công tác chăm sóc sức khỏe của y tế cơ sở bị ảnh hưởng do tác động của một số chính sách, như quy định về thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, áp dụng chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm giảm tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người bệnh tại tuyến y tế cơ sở.

Ðề xuất chi trả khám bệnh định kỳ

Trước thực tế Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2024. Theo đó, lần sửa đổi Luật này dự kiến sẽ điều chỉnh năm nhóm chính sách lớn: Thứ nhất, mở rộng đối tượng tham gia. Thứ hai, mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Thứ ba, đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Thứ tư, bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan Bảo hiểm y tế trong hoạt động giám định bảo hiểm y tế. Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ có nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Ông Dũng nêu rõ dự thảo đặt mục tiêu bảo đảm quyền lợi, tạo công bằng và thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, đặc biệt bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. "Ngoài chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả khi sử dụng các dịch vụ: dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh mạn tính. Bên cạnh bổ sung chi trả khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vaccine, sinh phẩm và dinh dưỡng sử dụng trong điều trị. Người tham gia bảo hiểm y tế được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu quản lý", ông Dũng thông tin.

Nhiều ý kiến chuyên gia ủng hộ việc mở rộng nhiều nội dung, dự phòng tích cực, bổ sung chi trả khám sàng lọc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm y tế. Bởi việc mở rộng khám sàng lọc, định kỳ sức khỏe cho người dân sẽ làm giảm gánh nặng điều trị bệnh.