1. Trên thị trường vàng thế giới, chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 23,8 USD lên 1.643 USD/ounce, sang phiên châu Á sáng 24-2, vàng tăng lên gần 1.661/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4-2020 tăng gần 17 USD lên 1.665 USD/ounce. Kết quả một cuộc khảo sát của Kitco - một nhà buôn bán các kim loại quý như vàng, bạch kim, bạc, palladium và rhodium hàng đầu thế giới cho thấy, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng vàng sẽ còn tăng, hướng đến vùng 1.700 USD/ounce vào cuối năm 2020. Thậm chí có chuyên gia dự báo giá vàng sẽ có thể đạt mức 2.000 USD/ounce trong 24 tháng tới. Nguyên nhân hàng đầu khiến các chuyên gia đưa ra dự báo giá vàng tiếp tục tăng mạnh do tác động từ diễn biến phức tạp của Covid-19. Ngoài yếu tố dịch bệnh, các nhà đầu tư còn cho rằng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, đồng USD tiếp tục mạnh lên cũng sẽ hỗ trợ cho giá vàng tăng.
Ở góc độ tích cực, ngày 17-2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quyết định giảm lãi suất khoản vay trung hạn từ mức 3,25% xuống còn 3,15%/năm cho khoản vay trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 29 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 tới nền kinh tế. Ngày 20-2, PBoC tiếp tục thông báo lãi suất cho vay cơ bản một năm giảm từ 4,15% còn 4,05%/năm, lãi suất kỳ hạn 5 năm được đặt ở mức 4,75%, giảm từ 4,8%/năm. Cùng với đó, các NHTM Trung Quốc đã gia hạn các khoản nợ trị giá gần 3.340 tỷ CNY (khoảng 477 tỷ USD). Trung Quốc cũng sẽ miễn giảm hơn 500 tỷ CNY (tương đương 71,27 tỷ USD) phí bảo hiểm xã hội trong năm nay nhằm hỗ trợ các công ty ứng phó với dịch bệnh…
Những động thái này của Chính phủ Trung Quốc không chỉ là hỗ trợ trực tiếp về tài chính cho các ngành sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, mà quan trọng hơn sẽ tác động đến tâm lý các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) và người dân. Không chỉ Trung Quốc mà nhiều NHT.Ư khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái-lan… cũng có nhiều động thái như cắt giảm lãi suất, tung ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua tác động tiêu cực do Covid-19. Khi dịch được khống chế, giá vàng sẽ đảo chiều giảm mạnh.
2. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại dịch Covid-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này, sáng 24-2, đã tăng rất mạnh, quanh ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, sau khi giá vàng thế giới cũng đang nới rộng đà đi lên, sau khi chinh phục đỉnh cao nhất trong bảy năm qua. Thực tế, sau khi tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra trong ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC mở cửa sáng 24-2 đã tăng thêm tới 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và 850.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 46,40 - 46,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC niêm yết ở mức 46,40 - 46,90 triệu đồng/lượng. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 24-2 đã tăng 750.000 đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so cuối ngày chủ nhật (23-2), hiện đứng ở mức 46,39 - 47,04 triệu đồng/lượng.
Sang ngày 25-2, giá vàng trong nước đã nhanh chóng hạ nhiệt và giảm mạnh ngay khi mở cửa từ khoảng 1 đến gần 1,2 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng SJC mở cửa sáng 25-2 đã giảm mạnh trở lại 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 46,80 - 48,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC niêm yết ở mức 46,80 - 48,00 triệu đồng/lượng. Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 25-2 giảm 1,19 triệu đồng/lượng so cuối ngày 24-2, hiện đứng ở mức 46,20 - 47,50 triệu đồng/lượng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian gần đây, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng chủ yếu là do lo ngại về dịch Covid-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng. Giá vàng biến động nhiều nên rủi ro khá lớn, khiến lượng khách giao dịch giảm. Nếu giá vàng tiếp tục tăng thì động thái bán ra để chốt lời sẽ nhiều hơn là mua vào. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán dao động trong khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy sức mua, bán vàng của thị trường vàng đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng. Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ ngày 17 đến ngày 22-2, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ. Trên thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, đúng là dù giá vàng tăng nhưng với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.