Ngành thủy sản năm 2023

Bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng

Năm 2022, ngành thủy sản dự kiến cán mốc xuất khẩu 11 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo đầy thách thức do kinh tế thế giới suy thoái và những khó khăn từ nội tại nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu tôm năm 2022 dự kiến đạt mức 4,3 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Xuất khẩu tôm năm 2022 dự kiến đạt mức 4,3 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Doanh số kỷ lục

Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2021. Dự kiến đến hết tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sẽ lần đầu đạt mốc 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so cùng kỳ năm 2021 và có khả năng vượt 2,5 tỷ USD cuối năm nay; cá ngừ lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD… VASEP cũng cho biết, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra hay cá ngừ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số, từ 18-77%.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Bốn thị trường (Liên minh châu Âu - EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Lần đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD. Vương quốc Anh trở thành thị trường đứng thứ bảy của xuất khẩu thủy sản Việt Nam... Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều tăng.

Ghi nhận tăng trưởng mạnh ở những tháng đầu năm, nhưng do tác động của lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu, nên từ quý III đến nay, xuất khẩu thủy sản đã chững lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh. Doanh số bán hàng chùng xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước "thắt lưng-buộc bụng" để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này. Riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận dưới 1 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 2% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

"Không hẳn là bi quan, song thực tế khá khó khăn!"

Đó là chia sẻ của Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe khi nhìn nhận về năm 2023. Lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng; biến động tỷ giá… là những yếu tố khiến cho kinh tế thế giới suy thoái. Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt. Chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn… tăng. Bên cạnh đó, những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ, là những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản được khảo sát bày tỏ lo ngại triển vọng ngành này.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết: Từ cuối quý III/2022, các đơn hàng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Một số đơn hàng ký kết bị phía khách hàng hủy bỏ hoặc hoãn, kéo dài thời gian giao hàng. Việc thảo luận, bàn bạc kế hoạch kinh doanh sắp tới chưa rõ nét. Hiện nay, lạm phát thế giới khiến nhu cầu giảm sút, mặt hàng giá trị cao không được khách hàng ưu tiên lựa chọn; tình hình cạnh tranh của các đối thủ ngành tôm gay gắt khiến cho việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, điều này khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho. Trong khi đó, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt; lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty thủy sản nhỏ và vừa.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Camimex Group Huỳnh Văn Tấn cũng cho biết: Đối với doanh nghiệp thủy sản, trong đó có Camimex, nhu cầu về vốn là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước thắt chặt vấn đề giải ngân, cho nên những doanh nghiệp dù còn hạn mức nhưng ngân hàng không tiếp tục giải ngân mà lại cắt hạn mức của doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện nay vào mùa cao điểm sản xuất, xuất khẩu để khách hàng bán vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn càng cao, việc ngân hàng không giải ngân và thu hồi các khoản tín dụng cũ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, năm 2023, ngành hàng tôm sẽ khó khăn hơn do tình hình nuôi trong nước không ổn định, nguồn nguyên liệu không bảo đảm cho sản xuất xuất khẩu, chi phí nuôi tôm cao dẫn đến giá bán cao nên sẽ là trở ngại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, tôm Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt từ tôm của Ấn Độ và Ecuador. Đối với ngành hàng cá tra, Việt Nam có lợi thế hơn vì là nguồn cung lớn nhất, thêm nữa giá thấp nên người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn trong điều kiện thắt chặt các khoản chi tiêu sinh hoạt. Căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn đã làm giảm lượng cung cá thịt trắng, sản phẩm cá tra được xem là sản phẩm thay thế tốt nhất.

Đứng trước khó khăn về đơn hàng, lạm phát, lãi suất tăng, để duy trì "mạch sống" doanh nghiệp, theo các chuyên gia, trước mắt doanh nghiệp tìm cách cắt giảm chi phí, xóa các định mức tiêu hao để có thể giảm giá thành tăng sức cạnh tranh. Về lâu dài, doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa trong sản xuất. Về phía Nhà nước, cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là USD; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tăng hạn mức tín dụng.

Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp, cần có kế hoạch tận dụng tốt khoảng thời gian quý I năm tới để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất. Củng cố tài chính, tối ưu hóa chi phí sản xuất, đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp đón đầu được sự phục hồi của thị trường trong giai đoạn tới.

VASEP dự báo, nếu thị trường khởi sắc vào cuối quý I/2023, xuất

khẩu thủy sản Việt Nam có thể ở mức hơn 10 tỷ USD năm 2023.