Ấp iu miền cảm thức mẹ

Tập thơ “Mẹ và Sen” (NXB Hội Nhà văn) có những bài thơ như rút ruột từ hoàn cảnh, câu chuyện về người mẹ quê của chính Nguyễn Văn Song.
0:00 / 0:00
0:00
Ấp iu miền cảm thức mẹ

Trong anh luôn chảy ròng một miền cảm thức về người mẹ quê: Mẹ thân thương cùng dòng chảy thời gian bốn mùa; mẹ tảo tần, xót xa, hao gầy trong từng cử chỉ, những thói quen thường ngày mà chỉ những khoảnh khắc được gần mẹ, người đàn ông tuổi trung niên mới chợt nhận ra.

Hình ảnh của người mẹ quê quanh năm tảo tần, lấm láp ruộng đồng, bước thấp bước cao như một phác họa đầy xúc động in dấu suốt quãng đời thơ ấu của mỗi người con nông thôn. Trở về với mẹ là khi được bé lại nhưng cũng những phút giây bên mẹ, tác giả mới nhận ra quy luật khắc nghiệt của thời gian. Ai không rưng rưng khi đọc những câu thơ này trong bài “Cõng mẹ”: “Vai con thiêm thiếp mẹ nằm/Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng”. Ai đã từng một lần bóp lưng cho mẹ sẽ nhận ra: “Tấm thân mẹ, gốc cây sầu tháng năm/Nhựa tươi nuôi lá lặng thầm/Nuôi hoa, nuôi trái còn ngần ấy thôi”.

“Mẹ và Sen” là hai hình ảnh, hai hiện thân song hành, hòa quyện trong tập thơ của Nguyễn Văn Song. Đậm nét hơn cả là cảm thức mẹ bởi xuất phát điểm chính là cảm xúc về người mẹ của chính tác giả, chân thực và đầy xúc động. Những câu thơ hay nhất, thật nhất, lay động nhất như bật ra từ bao thương yêu, xót xa cho nỗi niềm cuộc đời nhiều cay cực, gian nan của đấng sinh thành. Quy luật tuổi tác và sinh tử không chừa một ai. Nguyễn Văn Song biết rất rõ điều ấy. Và anh xót xa cho mẹ, cho nỗi quạnh hiu tuổi xế chiều khi: “Bạn già mỗi lúc một thưa/Cơi trầu trên chõng ngẩn ngơ nắng chiều/Hiên nhà quạnh vắng hắt hiu/Thẫn thờ mẹ bổ bao nhiêu cau vàng”. Những câu thơ lục bát nghe nhẹ bẫng như giãi giề, kể chuyện.

Bên cạnh nỗi niềm riêng về sen, về người mẹ quê của mình tiếp tục với những vân vi lục bát, Nguyễn Văn Song dường như muốn hướng ngòi bút của mình tới những cách thể hiện mới qua các thể thơ khác, những thân phận người mẹ yếu thế trong xã hội đương đại. Nhưng những tứ thơ đẹp nhất của “Mẹ và Sen” vẫn xoay quanh tự sự về người mẹ có thật của tác giả. Những tứ thơ ấy gọi về trong mỗi người những khoảnh khắc ngoái nhìn về tuổi thơ, về tình mẹ.

Bài thơ “Mẹ và Sen” được tác giả Nguyễn Văn Song chọn kết lại tập thơ cùng tên. “Mẹ và Sen” đồng điệu cả cuộc đời thanh sạch, chắt chiu tỏa hương giữa bùn lầy: “Bây giờ sen lại rộ hương/Cánh đồng đâu dáng mẹ thường hái hoa/Tuần sen thắp giữa gian nhà/Bỗng con thấy mẹ băng qua Niết bàn”. Mỗi mùa lại sắc sen tươi, còn người mẹ quê đã hóa thân ở cõi niết bàn nhưng mãi còn đó những ký ức ấp iu suốt đời con.