Ẩn họa mang tên "lộ thông tin cá nhân"

"Ngày nào cũng bị làm phiền bởi rất nhiều cuộc gọi, đến phát mệt. Nào là quảng cáo du lịch, chứng khoán, nhà đất. Rồi cả môi giới nơi học tiếng Anh. Tôi thật sự không hiểu, họ đã lấy được thông tin cá nhân của mình ở đâu?". Câu hỏi của chị Hoàng Thị Hoa ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng là thắc mắc của hàng nghìn, hàng vạn người khác. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân cũng ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối.
0:00 / 0:00
0:00
Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset.
Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset.

Từ một sự vụ điển hình

Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tình trạng người dân vay nợ của các công ty tài chính khiến người thân, bạn bè của người vay nợ thường xuyên bị gọi điện thoại đe dọa, quấy phá xuất hiện với tần suất cao.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, ngày 21/11, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh phối hợp Công an TP Tam Kỳ, Phòng Cảnh sát cơ động cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hành chính tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset chi nhánh Quảng Nam (địa chỉ tại tầng 4 tòa nhà Panko Plaza thuộc phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset có 76 nhân viên được chia làm bảy nhóm (từng nhóm đều có nhóm trưởng quản lý). Các nhân viên ở đây sử dụng điện thoại gọi điện, tư vấn cho người có nhu cầu vay tiền dưới sự điều hành, quản lý của bà Nguyễn Thị Xuân Đào và bà Trần Thị Nàng Hương. Qua kiểm tra, phát hiện công ty này không có người đại diện hợp pháp, không xuất trình được giấy phép đăng ký địa điểm kinh doanh và công ty cũng không gắn bảng hiệu.

Kết quả làm việc ban đầu xác định: Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset chi nhánh Quảng Nam thực hiện hoạt động phát triển cho vay đối với cá nhân, hoạt động liên lạc, thu hồi nợ do Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại TP Hồ Chí Minh thực hiện. Đáng nói, Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset chi nhánh Quảng Nam có hành vi mua bán dữ liệu cá nhân của khoảng 150.000 người Việt Nam. Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, các đối tượng chủ động tìm, mua thông tin khách hàng trên các diễn đàn, hội nhóm kín hoặc thông tin bị lộ lọt từ các tổ chức tài chính.

Cũng trong ngày 21/11, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra hành chính tại Công ty Luật Legal A PLus (phường An Phú, TP Tam Kỳ). Qua kiểm tra, phát hiện Vũ Ngọc Hiếu (sinh năm 1996) là nhân viên thu hồi nợ, đã sử dụng hình ảnh của nhiều cá nhân (không xin phép chủ sở hữu) để biên tập, lồng nội dung vu khống, không đúng sự thật nhằm "khủng bố" tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người.

Cho vay hợp pháp, nhưng lại đòi nợ bằng cách phạm pháp

Liên quan vấn đề mua bán dữ liệu cá nhân, tình trạng đòi nợ kiểu "khủng bố" cũng diễn ra nhức nhối tại nhiều tỉnh, thành phố. Đầu tháng 10/2022, anh N. Trí (30 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) bỗng dưng nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Anh Trí bắt máy thì đầu dây bên kia lập tức yêu cầu anh trả khoản nợ vay 10 triệu đồng, tính cả gốc lẫn lãi là 18 triệu đồng. Dù anh Trí đã giải thích rất rõ ràng bản thân không vay nợ hay đứng ra bảo lãnh cho ai vay nợ nhưng đầu dây bên kia vẫn không "buông tha". Các đối tượng sau đó đã sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của anh Trí…

Ở một trường hợp khác, ông Đ.Q.V, giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho biết bắt đầu từ ngày 13/7, ông nhận được cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu phải trả nợ ngay tức khắc. Dù ông V. đã giải thích, nhưng sau đó ông V. vẫn bị các số điện thoại lạ gọi, nhắn tin "khủng bố", và đưa cả lên các mạng xã hội những thông tin ngụy tạo có tính chất bôi nhọ. Tìm hiểu nội dung vụ việc, ông Đ.Q.V phát hiện nguồn gốc vụ việc là từ cô N. (nhân viên của ông). Cha cô N. - ông Nguyễn Văn R. có vay số tiền 26,375 triệu đồng từ Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, với lãi suất 4%/tháng (48%/năm). Sau đó, khoản vay bị nợ quá hạn và công ty thu hồi nợ bắt đầu gọi điện cho cô N. để đòi, tiếp đến là tìm tới công ty nơi cô làm việc, với mục đích thu hồi nợ.

Ngày 20/11, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 13 bị can để điều tra hành vi "vu khống" nhằm mục đích đòi nợ, xảy ra tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (có trụ sở văn phòng ở đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan Công an xác định đây là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam tại quận 1, TP Hồ Chí Minh do L.J (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng giám đốc. Công ty này đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng "cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng".

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, hoạt động cho vay của công ty này là hợp pháp, nhưng thủ đoạn đòi nợ của các nhân viên công ty này lại vi phạm pháp luật. Từ quy định, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay tiền với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Trong đó, đối với nhóm nợ hơn 180 ngày, nhân viên sẽ sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ…

Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an Quận 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Qua điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có đầy đủ chứng cứ và xác định được rõ hành vi của các nhân viên Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset. Đến nay Công an Quận 1 và Phòng Cảnh sát hình sự đã làm việc với 33 nạn nhân để làm rõ chứng cứ và tiếp tục điều tra mở rộng.

Mới đây, Bộ Công an đã đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh, thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nên kiên quyết yêu cầu cắt bỏ toàn bộ các sim chưa được khai báo đầy đủ thông tin, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm lưu hành sim rác bằng việc xử lý nghiêm các cửa hàng, cá nhân kinh doanh sim rác.