An cư hàng nghìn hộ dân Kinh thành Huế

Hàng nghìn hộ dân ở khu vực di tích đã được triển khai di dời, đề án “di dân lịch sử” ở Huế vượt tiến độ 2 năm. Để ổn định đời sống người dân cũng như phát huy giá trị di tích, đề án này được mở rộng với việc có thêm hàng nghìn hộ dân được di dời đến nơi ở mới.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngôi nhà khang trang ở khu tái định cư phía bắc Hương Sơn.
Những ngôi nhà khang trang ở khu tái định cư phía bắc Hương Sơn.

Giấc mơ thành hiện thực

5 năm trước, ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu..., nhà cửa của người dân mọc chi chít, thoắt ẩn thoắt hiện trên khu vực di tích, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác cho không gian di sản.

Ở trong không gian bí bách này, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, khổ cực khi sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, môi trường không bảo đảm... Sinh sống trong khu vực ấy, hàng chục năm qua, hàng nghìn hộ dân mong mỏi và mơ về một giấc mơ có ngày được đi đến nơi ở mới khang trang. Giấc mơ ấy cứ trôi qua ngày này tháng nọ cùng cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế vào cuối năm 2018, đề án được tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào đầu năm 2019, giấc mơ của người dân dần thành hiện thực.

Đề án này thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế ở 11 khu vực cho hơn 5.000 hộ dân với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đó là khu vực Thượng Thành, các Eo Bầu, Hộ thành hào và Tuyến phòng lộ, Trấn Bình Đài, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ tại Thượng thư Đường bộ công, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (các tuyến đường Mang Cá, Lê Trung Đình, Lương Y, Xuân 68). Để người dân có nơi ở mới khang trang, đề án thực hiện 10 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc Hương Sơ có tổng diện tích hơn 82 ha với tổng giá trị khoảng 1.097 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế thông tin, trong quá trình thực hiện dự án đã điều chỉnh các hạng mục giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn 2 lên thực hiện trong giai đoạn 1 (bằng nguồn vốn của giai đoạn 1).

“Qua thời gian 5 năm thực hiện, hiện nay các khu vực giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại khung chính sách đã được triển khai trong giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt tại 11 khu vực, vượt tiến độ 2 năm so với thời gian phân kỳ thực hiện tại khung chính sách được Thủ tướng phê duyệt”, ông Tuấn cho hay.

Đến thời điểm này, Huế đã phê duyệt, bố trí tái định cư cho hơn 2.760 hộ dân, trong đó có hơn 2.575 hộ dân đã bốc thăm nhận đất, hơn 2.515 hộ dân đã cấp giấy phép xây dựng và đã chuyển hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 2.329 hộ dân, số còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành theo hình thức cuốn chiếu.

Sau khi các hộ dân đến nơi ở mới, địa phương này triển khai hạ giải, dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng. Nhờ đó, bộ mặt Kinh thành Huế trở nên thông thoáng. Trong khi đó, ở khu tái định cư phía bắc Hương Sơ, hàng nghìn hộ dân đã ổn định cuộc sống trong không gian đầy đủ tiện nghi, môi trường trong lành. “Ra đây sinh sống, gia đình chúng tôi có đường sá sạch đẹp, điện nước đầy đủ... Cuộc sống người dân trở nên thoải mái và phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Ân, 64 tuổi, chia sẻ.

Mở rộng đề án, di dời thêm hơn 1.280 hộ dân

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi đề án. Trong tờ trình có nêu, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực 1, hệ thống Kinh thành Huế mà từ sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) mới có thể thực hiện được. Đến nay, đã triển khai di dời hơn 5.000 hộ dân thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1).

Để tiếp tục gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa do tiền nhân để lại; ổn định cuộc sống của người dân sống trong khu vực 1, khu vực 2 khoanh vùng bảo vệ di tích, bảo đảm môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; ổn định và nâng cao đời sống người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 để di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Kinh thành và các khu vực di tích Quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài hệ thống Kinh thành là cần thiết.

Tháng 4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, trong đó có nội dung về việc mở rộng đề án để di dời các hộ dân còn lại tại các khu vực di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế (giai đoạn 1) để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng (giai đoạn 2).

Sau đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Nghị quyết về việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi đề án. Cụ thể, từ năm 2023-2025, thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi các di tích ở 19 khu vực cho khoảng 1.287 hộ dân với tổng mức đầu tư khoảng 664 tỷ đồng. Đó là các khu vực Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, đàn Nam Giao, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, lăng Trường Cơ, lăng Cơ Thánh, điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, lăng Vạn Vạn, đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám. Đề án cũng sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ giải phóng mặt bằng có diện tích khoảng 9,04 ha với tổng giá trị gần 163 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai các thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm tra đề xuất điều chỉnh, bổ sung và mở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2).

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét chỉ đạo, có văn bản báo cáo để Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ sở cho ý kiến hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm xin cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng thuộc dự án (giai đoạn 2)...

Chia sẻ thêm về cuộc “di dân lịch sử” này, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho biết: “Giai đoạn 2 là bước tiếp theo sau khi kết thúc giai đoạn 1 nhằm hoàn thành mục tiêu di dân đang sinh sống tại khu vực 1 Quần thể di tích Cố đô Huế. Giai đoạn 2 chủ yếu là các hộ dân sinh sống tại các điểm di tích thuộc 19 khu vực với số lượng hơn 1.280 hộ dân. Kết quả đạt được khi thực hiện di dân giai đoạn 1 là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu ban đầu đề ra cho cả đề án di dân”.

Nhờ đề án này, tổng số hộ dân dự kiến di dời của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có khoảng 6.477 hộ dân với khoảng 22.670 nhân khẩu. Cuộc di dân này đã biến giấc mơ của hàng chục nghìn người dân dần thành hiện thực. Ở khu tái định cư, người dân một thời kham khổ trên đất di tích có được cuộc sống ổn định.