Ẩm thực chay miền biên viễn

Gần một thế kỷ qua, theo quá trình khẩn hoang, ẩm thực nói chung và món chay Tây Ninh nói riêng dần hình thành một phong cách độc đáo. Văn hóa tín ngưỡng tạo ra nền ẩm thực chay đặc sắc của cư dân bản địa, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Ẩm thực chay miền biên viễn

Tây Ninh được biết đến như là nơi khai sáng đạo Cao Đài, với khoảng 60% dân số theo đạo. Chính vì vậy, việc ăn chay của các tín đồ trở thành thói quen lan tỏa sâu rộng.

Đầu bếp Phạm Đức Chuyển (phụ trách Trai đường Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh) chia sẻ, nhờ ăn chay thường xuyên qua cả thế kỷ, người Tây Ninh đã sáng tạo, biến tấu những món rau, củ, quả trong vườn nhà trở thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng.

Để thay thế cho món mặn giàu đạm động vật, người ăn chay còn sáng tạo ra "thịt thực vật" từ mít non, đậu nành, đậu phộng, măng… rồi biến hóa thành món chiên, xào, kho, luộc, nấu canh… Rất nhiều du khách thập phương khi hành hương đến Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh ấn tượng với thực đơn mắm đậu kho chấm rau sống, khoai mì muối sả, bánh canh nấm rơm…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, văn hóa ẩm thực chay của địa phương được hình thành bởi những yếu tố tôn giáo tốt đẹp, kế thừa truyền thống lâu đời từ tiền nhân, và cả sự đa dạng đặc thù sản phẩm địa phương. Nghệ thuật chế biến, nghệ thuật trưng bày được các nghệ nhân chăm chút dựa trên nền tảng ngũ hành: là sự kết hợp năm vị chua (hành mộc), cay (hành kim), mặn (hành thủy), đắng (hành hỏa) và ngọt (hành thổ).

Năm nay, hàng chục nghìn khách du xuân đã đổ về Tây Ninh trải nghiệm Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay, lần I, năm 2023 do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức.

Ẩm thực chay miền biên viễn ảnh 1

Nhưng gian hàng chay bắt mắt níu chân du khách.

Dạo quanh lễ hội, thực khách không chỉ được trải nghiệm nhiều món chay từ rau, củ, quả giản đơn, mà còn có cả các món cầu kỳ như thịt nướng bánh hỏi, xôi heo quay, pa-tê được làm từ bánh mì, bột, đậu hũ, mì căng…; hay các món dân dã như nấm mối nấu cháo rau đắng, gỏi rau nhút, kho quẹt chấm lục bình…

Đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị Saigontourist trình làng món hủ tíu xào, bánh mì cà ri, gỏi cổ hũ dừa… Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ (tỉnh Đồng Nai) mang đến lễ hội gỏi bưởi, chè bưởi, nem bưởi, bì bưởi chiên giòn, trà sữa bưởi, nước ép bưởi. Ông Huỳnh Ðức Huệ (chủ khu du lịch) chia sẻ: "Thấy bà con quan tâm tới các món ăn chay, chúng tôi rất vui và sẽ ra thêm nhiều thực đơn mới từ trái bưởi. Hoạt động này không chỉ là quảng bá thực phẩm chay, mà còn là dịp thu hút du khách, tạo điểm nhấn riêng cho Tây Ninh".

Thăm gian hàng của Chùa Giác Tâm (Thị xã Trảng Bàng), nhiều người được sư cô Thích Nữ Trung Vy chiêu đãi bún chả giò. Đây là món ăn được nhiều phật tử khen ngợi, và đây là lần đầu tham gia một lễ hội chay quy mô lớn, nên bà con rất hoan hỉ. Riêng khu ẩm thực của huyện Tân Châu lúc nào cũng có hàng chục thực khách xếp hàng chờ bánh xèo chay. Với chủ ý chỉ thu mức 5.000 đồng/món "để quảng bá món chay của địa phương", UBND huyện Tân Châu đổ hơn 4.000 chiếc bánh xèo/ngày với hơn 100kg rau mà vẫn không đủ phục vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong bộc bạch: Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôn vinh các nghệ nhân; đồng thời giới thiệu với du khách gần xa về một Tây Ninh hiền hòa, hiếu khách. Vì vậy, chương trình quy tụ hàng trăm món chay độc đáo, giá rất thấp và vé vào cổng miễn phí, để ai cũng có thể tham gia. Riêng tiệc buffet chay hơn 100 món đặc sắc, cũng chỉ có giá 60.000 đồng/vé.

Ẩm thực chay Tây Ninh, như thế, đã không chỉ còn bó hẹp trong các khuôn khổ, giới hạn, mà thật sự hòa vào dòng ẩm thực dân gian, tạo nên một nét văn hóa đặc biệt nơi miền biên viễn