AI và thách thức đối với các cuộc thi nhiếp ảnh

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực, trong đó, sáng tác nghệ thuật không là ngoại lệ. Nhiều cuộc thi sáng tác hội họa trên thế giới chấp nhận phần dự thi có sự hỗ trợ của AI. Còn trong nhiếp ảnh, sự can thiệp của các phần mềm chỉnh sửa ảnh từ lâu đã làm dấy lên nhiều tranh luận chưa có hồi kết về tiêu chuẩn sáng tác và mức độ vi phạm bản quyền. Nay, vấn đề nan giải này rất có thể lại tiếp tục với AI.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh chụp nguyên gốc...
Ảnh chụp nguyên gốc...
AI và thách thức đối với các cuộc thi nhiếp ảnh ảnh 1
... và sau khi AI giúp "xóa" những phần không theo ý tác giả trong ảnh gốc. Ảnh: NGUYỄN KỲ NAM

Không chấp nhận ảnh có AI can thiệp

Câu chuyện về AI trong sáng tạo ảnh không phải đến bây giờ mới "nóng" mà từ trước đó, các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop, Luminar… đã ít nhiều sử dụng tới trí tuệ nhân tạo, tuy ở mức độ giản đơn và thô sơ. Càng về sau, các trang dữ liệu trực tuyến cung cấp công cụ AI để can thiệp vào sản phẩm hình ảnh, như nhiếp ảnh, video, thiết kế đồ họa ngày càng được nâng cấp do khắc phục được nhược điểm của các phần mềm đi trước. Từ đây, không mất nhiều thao tác và công sức, bất kỳ ai cũng đều có thể tạo ra các bức ảnh do trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thực hiện.

Sử dụng nguồn ảnh khổng lồ do con người cung cấp, AI sẽ tạo nên bức ảnh dựa theo những câu lệnh đơn giản trong thời gian ngắn đáng kinh ngạc. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chính, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, AI sẽ dựa trên ảnh gốc do người dùng cung cấp và tạo ra một bức ảnh mới dựa trên yêu cầu của người dùng. Để làm được điều này, người dùng phải biết tiếng Anh để tìm từ khóa đúng với ý của mình. Có thể nói, AI hỗ trợ sáng tạo được mọi thể loại trong nhiếp ảnh, từ hiện thực, ý tưởng cho tới các thể loại hòa trộn giữa nhiếp ảnh với các loại hình nghệ thuật khác. Kho dữ liệu càng phong phú càng giúp trí tuệ nhân tạo đưa ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn.

Sự xuất hiện của AI một lần nữa đặt ra thách thức cho các cuộc thi ảnh trong nước, bên cạnh những phần mềm chỉnh sửa ảnh từng "làm mưa làm gió". Đặc biệt là thể loại ảnh ý tưởng, thể loại được phép chấp nhận sự can thiệp của kỹ xảo. Cũng có thể vì điều này mà mới đây, Ban tổ chức cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024 (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Không chấp nhận ảnh dự thi mà có sử dụng AI.

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng, ngay cả nhiều thành viên trong Ban giám khảo cũng chưa hiểu sâu về AI nên rất khó để thẩm định và kịp thời phát hiện các bức ảnh do AI tạo nên. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chính, để phát hiện bức ảnh đó có sử dụng AI hay không, thật ra lại "dễ hơn mọi người tưởng". Con người tạo ra AI thì cũng sẽ tạo nên phần mềm phát hiện ảnh sử dụng AI. Bên cạnh đó, việc yêu cầu tác giả trình ảnh gốc với các thông số kỹ thuật được lưu giữ trên file ảnh cũng là một cách để kiểm tra, phát hiện các bức ảnh có sử dụng AI. Cụ thể, ảnh nhờ can thiệp của AI là những file ảnh nén, file hỗn hợp, không có thông số cơ bản như ảnh chụp nguyên gốc. AI hỗ trợ hiệu quả khi ứng dụng cho đồ họa quảng cáo, nhưng không thay thế được nghệ thuật nhiếp ảnh với những đặc trưng về tư duy hình ảnh, chứa đựng tính khoảnh khắc và cảm xúc của con người.

Sử dụng công nghệ đúng mục đích

Bên cạnh những rắc rối do trí tuệ nhân tạo tạo nên cho các cuộc thi ảnh, một điều không thể phủ nhận là AI giúp ích cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong quá trình sáng tạo, nếu được đặt đúng vị trí và đúng mục đích.

Trí tuệ nhân tạo nên được dùng như một công cụ gợi ý, mở ra các cách khai thác đề tài hơn là nắm vai "chủ đạo" trong sáng tạo. Dù AI có bộ óc thông minh đến đâu nhưng suy cho cùng, vẫn chỉ là một phương tiện hoạt động theo yêu cầu của con người. Nó không có cảm xúc và trái tim để biết rung động trước cái đẹp để từ đó đưa đến các khoảnh khắc có một không hai trong nhiếp ảnh; mà bản chất của nhiếp ảnh lại là khoảnh khắc.

Góp phần giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh hiểu rõ hơn về AI, trong thời gian tới, các hội nghề nghiệp, như Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, tọa đàm nhằm phổ biến kiến thức về ảnh từ trí tuệ nhân tạo. Có hiểu về AI, các nghệ sĩ mới sử dụng công nghệ đúng mục đích. Ai biết nắm lấy công nghệ sẽ đón đầu nhiều xu hướng trong nghệ thuật.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, trong đời sống hiện đại, máy móc sẽ thay thế con người ở nhiều công đoạn. Mục đích là để cuộc sống của con người tiện lợi và tốt đẹp hơn. Máy móc có thể giúp nghệ sĩ sáng tạo nhanh hơn, chất lượng hơn nhưng không thể thay thế bộ óc và trái tim của một nghệ sĩ. AI can dự ngày càng nhiều hơn trong đời sống sáng tác văn học nghệ thuật nhưng nghệ sĩ thông minh là "người thông minh hơn AI", tức là biến AI trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích sáng tạo.