Ai nhớ tháng giêng...

Những hội làng rộn rã trên khắp nẻo đường xuân đất nước, từ Hội Lim ngọt ngào, tình tứ trong mưa xuân xứ bắc đến Hội Xuân núi Bà Đen nô nức trong nắng ấm phương nam..., tháng giêng như lời hẹn được tích tụ, ghi khắc trong tâm hồn dân tộc truyền lại tự bao đời, nhắc nhớ những bàn chân hào hứng tìm về với ký ức văn hóa dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục nghệ thuật đậm sắc mầu của Tây Ninh trong khuôn khổ Hội xuân núi Bà Đen.
Một tiết mục nghệ thuật đậm sắc mầu của Tây Ninh trong khuôn khổ Hội xuân núi Bà Đen.

KHÔNG hẹn mà gặp, tháng giêng, dường như mỗi người đều mong muốn dành cho mình những cuộc hẹn với lễ hội, với những chuyến du xuân - như lời hẹn với đất trời đang bừng thức trong một sự khởi đầu của một hành trình mới, mang theo ước nguyện và kỳ vọng mới. Trên những hành trình khởi đi từ tiềm thức sâu xa trong mỗi tâm hồn Việt ấy, tháng giêng mang tới những trải nghiệm kỳ diệu mà hấp dẫn. Nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính đã chia sẻ: Các ngày lễ hội của làng chính là những dịp để người dân quê tập hợp với nhau, rồi người xa quê có dịp trở về cội nguồn của mình, rồi cả những người không có liên quan gì, mà do các mối quan hệ xã hội với người dân làng mà cũng tìm đến, cùng trải nghiệm những không khí văn hóa đậm chất truyền thống đó. Và họ có những trải nghiệm rất khác, cảm nhận sự khác biệt của văn hóa làng quê khác với văn hóa ở đô thị, để rồi cảm nhận được những điều lý thú. Cùng với các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa dân gian vẫn được bảo tồn, lưu giữ tại nhiều làng quê như các trò chơi dân gian, các hình thức diễn xướng sinh hoạt văn nghệ mà người dân quê vẫn tổ chức... đó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của các thế hệ mới lớn, cho dù hiện nay các phương tiện thưởng thức văn hóa văn nghệ hiện đại rất phát triển. Nhờ vậy, một bộ phận lớp trẻ sẽ cảm, hiểu, để yêu và không xa rời các giá trị văn hóa truyền thống.

Và bởi vậy, tháng giêng kỳ diệu ấy thật sự trở thành một liều thuốc kỳ diệu, mang đến sự hồi sinh và gieo mầm từ tâm thức.