“Xứ Mường”: Để mở ra những điều khác!

Từ ngày 14 đến 21/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, có một cuộc hội ngộ của năm nghệ sĩ tạo hình sinh ra hoặc lớn lên, trưởng thành tại Hòa Bình mang tên triển lãm “Xứ Mường”. Cuộc hội tụ trải dài với 85 tác phẩm, từ điêu khắc gốm, gỗ cho tới tranh sơn dầu, sơn mài, chất liệu tổng hợp trên giấy giang… mở ra những cách nhìn mỹ thuật khác nhau, nhưng đồng cảm bởi tinh thần hiện đại hóa bằng những cảm xúc trừu tượng đa dạng…
0:00 / 0:00
0:00
Một số tác phẩm tại triển lãm.
Một số tác phẩm tại triển lãm.

Cuộc hội tụ “bắc cầu…”

Các nghệ sĩ cách nhau 17 năm tuổi, lớn nhất là nữ họa sĩ Trần Thị Thu - biệt danh Thu Trần (sinh năm 1970) - hiện vẫn là Trưởng khoa Mỹ thuật của Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc tại Hòa Bình nhưng xưởng họa và thời trang của bà đang duy trì tại làng Bắc Cầu - Long Biên (Hà Nội). Thứ hai là họa sĩ - nhà điêu khắc gốm Vũ Đức Hiếu - biệt danh Hiếu Mường (sinh năm 1977), thành danh với công việc là Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại Hòa Bình từ 2007 đến nay. Thứ ba là họa sĩ - nhà điêu khắc gốm, gỗ Bùi Văn Đạo (sinh năm 1979), hiện là Phó trưởng khoa Mỹ thuật của Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc và họa sĩ Trần Trung Dũng (sinh năm 1980), cũng là giảng viên của trường. Và cuối cùng là họa sĩ Nguyễn Giang Châu (sinh năm 1987 tại Hòa Bình), hoạt động sáng tác tự do tại Hà Nội từ 2011 đến nay. Cuộc hội ngộ này đưa năm họa sĩ từ ba địa chỉ đến với nhau là Hiếu Mường và Bùi Văn Đạo với xưởng làm việc trên Hòa Bình; Thu Trần tại làng Bắc Cầu (Long Biên) và Trần Trung Dũng, Nguyễn Giang Châu tại làng Yên Xá (Hà Đông).

Ý tưởng “Xứ Mường…”

Điều có thể kể đến đầu tiên là những lời tự sự xoay quanh ý tưởng “Xứ Mường” để phản ánh cảm nhận xây dựng phong cách riêng của mỗi tác giả. Trước hết là nhấn mạnh của tác giả Hiếu Mường: “Tôi nghĩ rằng, gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông đã từng làm. Với đất, nước, men, giờ… những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại với cách nhìn và những thử nghiệm mới hy vọng sẽ kết nối được truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày”. Điều mà tác giả không nói đến, nhưng dân chơi gốm đều biết, trong lịch sử, các tác phẩm gốm cổ được người Mường sưu tập từ dưới xuôi rất nhiều. Họ coi như một tài sản để sử dụng thường ngày và gia tài chôn theo những ngôi mộ cổ. Hiếu Mường đã có bản lĩnh tự làm lò gốm tại bảo tàng của mình hơn 10 năm nay. Và cũng khá ít người sáng tác gốm hiện đại đi vào xu hướng… gốm trừu tượng như anh hiện nay. 13 tác phẩm của anh được đánh số và cùng một tên gọi là “gốm Hiếu Mường”. Nhìn loạt tác phẩm này, người ta có thể liên tưởng khá nhiều đến hình ảnh đời sống mọi dạng vẻ của người Mường trong ngày, có cái như chân dung tình cảm mẹ con. Cái thì như tình ái đôi lứa, có cái sống động như loài vật tung tăng trong vườn nhà núi rừng. Điều đặc biệt là việc tác giả tự tạo được nhiều dạng mầu men gốm khác nhau, để đưa được cả những cảm giác về hoa văn Mường trong trang phục, điêu khắc vào gốm.

Tác phẩm có kích cỡ lớn nhất là sắp đặt gỗ mang tên “Lễ Khai hạ” (400 x 140 x 100cm) của Bùi Văn Đạo với chất liệu gỗ xoan và mít được điêu khắc các chân dung mọi dạng vẻ để ca ngợi lễ hạ nêu, đón xuân mới vào mồng 7 Tết hằng năm. Còn loạt gốm của anh thì lại xoay quanh “Lễ mừng cơm mới” của người Mường ở Hòa Bình.

Còn loạt 23 tác phẩm tranh trừu tượng cũng có khổ lớn nhất làm bằng chất liệu lạ là giấy giang bồi trên toan (mỗi bức 120 x 200cm) của Thu Trần thì nhấn mạnh một cách ngắn gọn: “Đây là vùng đất với kho tàng về âm nhạc, mo Mường, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đầy sức biểu cảm. Tôi kết hợp chính chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội họa biểu hiện - trừu tượng để ca ngợi xứ Mường”.

Loạt tranh khá “có duyên” là loạt 18 bức phong cảnh bốn mùa bằng sơn dầu cũng khổ lớn của tác giả trẻ nhất Nguyễn Giang Châu. Anh lý giải: “Là một người con dân tộc Mường, những nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh được tôi dùng những hình ảnh hiện thực thân quen mang đậm dấu ấn con người nơi đây”.

“Đặc sản” tranh trừu tượng cuối cùng là loạt tranh sơn dầu (cũng đánh số từ 1 đến 10) của tác giả Trần Trung Dũng. Vô tình hỏi chuyện, người xem mới biết, ngoài việc bắt tay vào vẽ được những cảm giác lạ về ánh sáng ở không gian rừng núi Tây Bắc. Ngoài nhiệm vụ là một giảng viên hội họa, anh còn là một người… mê cờ tướng. Sẵn sàng vừa vẽ vừa đánh cờ với bất cứ ai!

Cuộc hội tụ “Xứ Mường” của các tác giả độ tuổi trung niên 7x, 8x tuy chỉ kéo dài một tuần vào đầu hè. Nhưng những xu hướng đồng điệu hăng say của các tác giả, sẽ là điều kích thích thú vị không chỉ với người xem. Như nhấn mạnh của tác giả Hiếu Mường với một khán giả trẻ là tuy triển lãm ngắn thôi, nhưng mong là nó còn mở ra nhiều điều khác, làm sôi động đời sống nghệ thuật đương đại, trước tiên là ngay từ… xứ Mường Hòa Bình!