Xòe Thái: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nghệ thuật xòe Thái, loại hình múa truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc nước ta vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ảnh: THANH TÙNG/TTXVN
Ảnh: THANH TÙNG/TTXVN

Tin vui này được công bố trong phiên họp chiều 15/12 (giờ Việt Nam) của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp. Hồ sơ về xòe Thái là một trong 48 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Trước đó năm 2013, xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong tiếng Thái, xòe có nghĩa là múa. Đây là điệu múa đặc sắc của dân tộc miền núi các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái, với các động tác tượng trưng cho các sinh hoạt thường ngày như lao động, lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng… 

Xòe Thái được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau. Có ba loại xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam; sự gắn kết cộng đồng; ý thức đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa; tinh thần khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái-phù hợp tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. 

Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 14 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau khi nghệ thuật xòe Thái được vinh danh.