Gian nan đường lên La Lay

Tại vùng biên giới Quảng Trị, đường 15D (huyện Đakrông), đoạn nối từ cửa khẩu quốc tế La Lay đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được nhiều lái xe ví như cẩm nang của những thách đố bởi cung hẹp, cua tay áo và độ dốc nguy hiểm, mỗi chuyến xe qua đây là một câu chuyện đầy mùi mồ hôi.
0:00 / 0:00
0:00
Đường lên cửa khẩu La Lay.
Đường lên cửa khẩu La Lay.

1/Hành trình của chúng tôi bắt đầu bằng chuyến đi dài hơn 12 km trên quốc lộ 15D - tuyến đường duy nhất kết nối khu vực cửa khẩu La Lay với hệ thống giao thông chung. Đập ngay vào mắt là hình ảnh những chiếc xe tải siêu trọng vận hành trên đường, bên cạnh những bãi than vương vãi. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc nhất là cảnh đường nứt, lún và đổ ngã nghiêm trọng, có vẻ do đoàn xe chở quá tải liên tục đi qua.

Trong chuyến hành trình này, chúng tôi cùng làm quen với anh Lê Văn Tấn, một lái xe lão luyện, người gắn bó cùng cung đường La Lay suốt 10 năm qua. Tôi biết anh Tấn trong chuyến xe khách từ Thanh Hóa đi vào miền trung, lúc đó, nghe anh kể, về nhà gấp có việc hiếu rồi vào Chân Mây, lái xe kiếm sống. Qua một đêm trên xe khách giường nằm, sáng hôm sau, anh Tấn lại lái xe lên cửa khẩu La Lay. Chuyến xe khách đó, tôi không hỏi anh lái xe gì. Bởi tôi cứ nghĩ mãi về hai từ La Lay, nó có cái tên lạ và khiến tôi quyết tâm tìm đến.

Anh Tấn ngồi hút thuốc giữa dàn xe tải ở bãi tập kết cửa khẩu La Lay. Anh đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, anh trò chuyện về hành trình vận chuyển than đá từ Lào xuống cảng biển Chân Mây (Thừa Thiên Huế). “Mỗi ngày, đối mặt với cung đường này giống như bước vào cuộc đua gay go”, anh Tấn cho biết.

Với tôi, cung đường 15D không dành cho những lái xe yếu tim. Đoạn đường dài chỉ 12 km này là một chuỗi những khúc cua, độ dốc cao và mặt đường hẹp.

Ngay ngã rẽ từ đường Hồ Chí Minh lên La Lay, cung đường đã hiện ra với những khó khăn. Lúc đó tôi đã nghĩ sự khó khăn đó chỉ là một vài đoạn ngắn bởi đây là tuyến đường đến cửa khẩu quốc tế, theo lý thường, nó sẽ là đường đẹp như bao cửa khẩu khác mà tôi đã đến.

Nhưng con đường không như tôi nghĩ, phía trước không phải là sự hình dung tươi sáng, mà nó là hiện thực “nát bét” như cung đường vào các mỏ khai thác than khác. “Lái xe con thì dễ dàng. Lái xe tải mà là lái mới trên cung đường này sẽ lúng túng vô cùng. Có những đoạn cua tay áo bán kính chỉ 15-20 m. Xe tải dài phải ngừng lại cho xe khác đi qua. Bình quân mỗi ngày đều có ít nhất một vụ va quệt”, anh Tấn nhận xét.

“Thách thức lớn nhất không phải là đối mặt với con đường, mà là độ an toàn cho tải trọng và hàng hóa. Lô than đá trị giá hàng trăm triệu đồng, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng đủ làm mình mất trắng công sức”, anh Tấn chia sẻ.

Chuyến đi của tôi lần đầu nhưng có khi cũng là lần cuối. Nhưng với những tay lái kiếm sống trên cung đường này, họ thuộc từng gốc cây, vũng nước, rằng kia cái cục đá nhô ra bên ta-luy dương là chỗ cua trái xuống dốc, qua cầu. Độ trải nghiệm dày dạn trên cung đường này đồng nghĩa với những trực giác sắc nhọn để xử lý tình huống.

Gian nan đường lên La Lay ảnh 1

Những khúc cua hẹp.

2/Cũng có những chuyến đi không bao giờ quên với anh Tấn: “Lúc đó, mỗi một người lái xe là một người cứu hộ giúp nhau. Chúng tôi không những chỉ lo cho xe mình mà còn lo cho xe trước, xe sau và yểm trợ nhau khi cần. Đây là những khoảnh khắc bên nhau trên cung đường này”.

Anh Tấn kể lại một vụ tai nạn ở khúc cua gắt: “Xe tải khác bị lạc tay lái và lật, may mắn tài xế thoát chết, nhưng tổn thất không nhỏ. Từ đó, ai đi qua cung đường này đều nằm lòng nhẩm đếm chuyển động như câu thần chú”.

Anh Võ Văn Thành (người Quảng Trị), một lái xe tải chở than đá, kể kỷ niệm hành trình của mình vào một buổi sáng sương mù dày đặc tại vùng cửa khẩu La Lay. Chiếc xe tải của anh nặng trĩu hàng hóa, mỗi bánh xe như đang bám chặt lấy mặt đường để giữ thăng bằng trên những con dốc quanh co, trơn trượt.

Tuyến đường mà anh thường xuyên di chuyển vừa hẹp vừa đông đúc với đủ loại phương tiện từ xe máy, xe du lịch đến những chiếc xe tải khác. Nhiều đoạn đường còn đang trong quá trình sửa chữa, khiến việc di chuyển trở nên cực kỳ khó khăn. “Mỗi lần phải đánh lái qua những khúc cua hẹp hay tránh xe ngược chiều, tôi như cảm thấy từng giây trôi qua đều căng thẳng”, anh Thành chia sẻ.

Khó khăn không chỉ đến từ địa hình. Trên những cung đường hỗn hợp, xe máy thường bất ngờ cắt ngang, trong khi các xe con thì vội vã vượt mặt. Những lúc như vậy, anh Thành phải tập trung cao độ để bảo đảm an toàn cho cả người đi đường lẫn chính bản thân mình. “Chỉ cần một giây mất tập trung, hậu quả có thể rất nghiêm trọng”, anh Thành nói với vẻ mặt cơm áo gạo tiền hiện hữu.

Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một thách thức lớn. Vào mùa mưa, những con dốc trở nên trơn trượt hơn bao giờ hết. Những vũng nước sâu khiến việc kiểm soát xe tải nặng càng thêm phức tạp. Có lần, trong một trận mưa lớn, anh Thành nhớ lại, chiếc xe của mình đã trượt bánh khi cố gắng leo lên một con dốc cao. “Cảm giác lúc đó thật sự đáng sợ. Tôi phải hít một hơi thật sâu, giữ vững tay lái và nhờ kinh nghiệm mới vượt qua được”, anh kể.

Dù công việc đầy rẫy khó khăn và nguy hiểm, anh Thành vẫn yêu nghề. “Mỗi chuyến hàng tôi chở không chỉ là những tấn than đá, mà còn là trách nhiệm với công việc và sự an toàn của mọi người chung quanh”, anh Thành chia sẻ. Với anh, niềm vui nhỏ bé nhưng quý giá là những lần hoàn thành hành trình an toàn và nhận được nụ cười cảm ơn từ những người đồng nghiệp và đối tác.

Anh Thành hy vọng trong tương lai, hệ thống giao thông sẽ được cải thiện, những tuyến đường sẽ được mở rộng và an toàn hơn, để những người lái xe như anh bớt đi những lo toan, áp lực trong mỗi chuyến đi. Nhưng dù thế nào, anh vẫn vững tay lái trên hành trình của mình, bởi anh hiểu rằng, mỗi cung đường anh đi qua đều góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Đó là chuyện của những người lái xe tải hạng nặng. Đây là cung đường của xe tải, còn những chiếc xe con, xe du lịch không nhiều lắm, họ đi qua cửa khẩu này chủ yếu để gia hạn visa. Xe tải sợ cung đường, xe con sợ xe tải bởi cảm giác khuất lấp tầm nhìn và luôn trong trạng thái bị đe dọa đè bẹp. Và một ngày cuối năm, mưa rả rích khiến nỗi chán cung đường đến tận cùng…

Cửa khẩu quốc tế La Lay là nơi giao thương đầy tiềm năng giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan (Lào). Hành trình đó không chỉ là cái nhìn thoáng qua về một khu kinh tế biên mậu mà còn là bức tranh phân vân giữa khát vọng phát triển và những thách thức hạ tầng đang tồn tại. Nhưng tôi hy vọng, câu chuyện của tôi viết ra đây là câu chuyện cuối cùng phàn nàn về cung đường này và chuyến đi sau sẽ được thưởng thức cảm giác nhẹ nhõm, êm ái hơn.

Trước đây, mặt hàng nhập khẩu qua cửa khẩu La Lay chủ yếu là gỗ. Tuy nhiên, hiện nay than đá đã trở thành mặt hàng chính với dự kiến ​​nhập khẩu lên đến 11 triệu tấn qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) và Lao Bảo (Hướng Hoá).