Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Trường tồn Đề cương về văn hóa Việt Nam

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời cách đây tròn 80 năm, một quãng thời gian không dài đối với lịch sử nghìn năm của dân tộc, nhưng đã trở nên một dấu mốc đáng nhớ của nhiều thế hệ tiếp nối nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy tinh thần “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong bối cảnh mới, cần tiếp tục khai thác mạnh mẽ các giá trị dân tộc để sáng tạo nghệ thuật. Ảnh: HOÀNG HOA
Phát huy tinh thần “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong bối cảnh mới, cần tiếp tục khai thác mạnh mẽ các giá trị dân tộc để sáng tạo nghệ thuật. Ảnh: HOÀNG HOA

Bản Đề cương do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh soạn thảo vào năm ông 36 tuổi. Bấy giờ, đất nước còn chìm trong ách nô lệ, “một cổ hai tròng” của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, cần có một cương lĩnh đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chính Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đáp ứng đường lối cách mạng của nước ta trong chiến lược phát triển văn hóa nhiều năm. Có nhiều người cho rằng đấy chính là bản “cương lĩnh” về văn hóa cũng hoàn toàn có lý.

1/ Trong bản Đề cương lịch sử này, có những điểm cốt lõi, là kim chỉ nam cho sự phát triển văn hóa, mà cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng như chân lý vốn vậy. Về mặt văn hóa, chúng ta vẫn vững bước đi theo lộ trình phát triển mà Đề cương văn hóa đã vạch ra từ 80 năm trước.

Đề cương xác định rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Cho đến hôm nay, văn hóa cũng là một mặt trận, tuy rằng không có tiếng súng, nhưng đã giúp đất nước ta sánh vai cùng các nước trên thế giới về tri thức, về học hành, những người không biết chữ chỉ chiếm số rất nhỏ trong cộng đồng, chúng ta có nhiều con em đoạt giải quốc tế về Toán và nhiều ngành khoa học khác. Văn hóa còn trở thành một ngành “công nghiệp văn hóa”, một mặt trận mới được xác định, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào GDP nền kinh tế nước ta.

Bản đề cương cũng đề ra ba nguyên tắc vận động văn hóa ở nước ta là Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Trong đó, vấn đề Dân tộc hóa được đặt lên hàng đầu. Cho đến hôm nay cũng vậy, nguyên tắc Dân tộc hóa đã được coi là nguyên tắc cơ bản. Một đất nước dẫu hiện đại đến mấy mà mất đi cái bản sắc dân tộc thì coi như đã trở thành “vong bản”. Lịch sử cách đây hơn 2.000 năm, khi tộc người Lạc Việt hình thành đã kiên quyết chống đồng hóa về văn hóa của quốc gia láng giềng lớn hơn. Nhờ có sự quần tụ dân tộc thành một khối mà sau nghìn năm Bắc thuộc, ta mới trở lại thành ta.

Nguyên tắc thứ hai cũng quan trọng mà bản Đề cương đề cập là Đại chúng hóa. Đó là vấn đề coi trọng dân, lấy dân làm gốc. Đó cũng là sự chắt lọc tư tưởng của các anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” và của Trần Hưng Đạo “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”. Nhờ cái nguyên tắc Đại chúng hóa mà chúng ta đã có được phong trào “bình dân học vụ” phổ cập chữ viết cho toàn dân lúc vừa giành được chính quyền. Đó là vào thời điểm chỉ vài ngày sau Cách mạng Tháng Tám, Nha Bình dân học vụ đã được thành lập ngày 8-9-1945 với các sắc lệnh số 17, 18, 19.

Trong bản Đề cương còn đề ra những công việc cụ thể cần làm về mặt văn hóa, kể cả trong lúc đất nước còn chưa thoát khỏi ách nô lệ. Đó là “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, ấn định mẹo văn ta (ngữ pháp tiếng Việt), cải cách chữ quốc ngữ”, “chống nạn mù chữ”. Như vậy, với tinh thần tự tôn dân tộc, người Việt phải biết yêu tiếng nói và chữ viết của mình. Thực tế đã chứng minh cho đến ngày hôm nay, tiếng ta còn và nước ta vẫn còn, mặc dù đã vượt qua bao cuộc chiến chống xâm lược của ngoại bang và xâm lăng về văn hóa. Như vậy, bản Đề cương văn hóa đã giúp rất nhiều cho việc định hướng về mặt giữ gìn hồn cốt của dân tộc: tiếng Việt.

2/ Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn luôn là định hướng cho sự phát triển văn hóa suốt từ khi ra đời đến nay. Trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, những vấn đề được nêu ra trong đó luôn luôn được cụ thể hóa và kịp thời bổ sung. Sau ba năm bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, tháng 11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hồ Chủ tịch đã khẳng định lại một lần nữa vai trò của văn hóa là “soi đường cho quốc dân đi” và “phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Với vai trò “soi đường” nên văn hóa đã góp một phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tiến tới thắng lợi hoàn toàn, cũng như văn hóa đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc, tiến đến ngày toàn thắng, non sông thu về một mối.

Cái mốc năm 1983, nhân kỷ niệm 40 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, tác giả của nó, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã làm rõ hơn một số điều mà Đề cương văn hóa đã vạch ra, đó là sự nhấn mạnh về sự cần thiết hoàn thiện lý luận văn hóa Việt Nam là phải “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cho đến năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã lại một lần nữa khẳng định việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam phải đậm đà bản sắc dân tộc.

3/ Trong bối cảnh của “thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/6/2008 lại một lần nữa thể hiện đường hướng chiến lược của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nghị quyết đã chỉ rõ “quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn nghệ nước nhà”. Thực tế, nước ta đã có bước chuyển mạnh mẽ sau khi có Nghị quyết số 23 chỉ đường, cũng không chỉ bó hẹp trong văn nghệ mà còn trong cả toàn ngành văn hóa. Chúng ta đã xác định được mũi nhọn của ngành văn hóa giúp cho kinh tế phát triển, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 16/1/2017. Trong đó, “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Khi Nghị quyết 08 đi vào cuộc sống, liên tục gặt hái được các thành quả kinh tế mà trước đó chúng ta chưa mường tượng hết. Thí dụ, kinh tế du lịch phát triển liên tục trong bốn năm ở mức hai con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP (tình hình trước đại dịch Covid-19). Thực ra, nguyên nhân phát triển tăng tốc như vậy lại chính là… sự nhận thức, mà điều này Đề cương văn hóa đã chỉ ra rồi là phải giữ nguyên tắc “Dân tộc hóa” và “Đại chúng hóa”. Tức là chúng ta hòa nhập với thế giới nhưng không hòa tan, vẫn giữ bản sắc văn hóa của chính mình. Đây cũng là dịp chúng ta tìm hiểu kỹ lưỡng hơn cái kho di sản mà cha ông để lại có những gì để có thể hấp dẫn du khách quốc tế và cả khách trong nước. Gia tài đó là: các di sản thế giới được UNESCO công nhận: Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An… Còn là 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia, chưa kể khoảng 10.000 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, các thế hệ tiền nhân còn để lại cho chúng ta nhiều di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội: về nguồn Đất Tổ Hùng Vương, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Thánh Gióng, dân ca quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ, ví dặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu… Bên cạnh đó, cái nguyên tắc “Đại chúng hóa” cũng là một động lực để ngành du lịch phát triển: nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, xắn tay áo lên mà làm, cùng chia sẻ “ích nước, lợi nhà”, lại còn là một chủ thể để giữ gìn bảo tồn di tích tốt nhất ở ngay tại địa phương.

4/ Đại dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu như một cơn sóng thần. Cái “công nghiệp văn hóa” nước ta sớm xác định đúng hướng nhưng cũng sớm bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, chúng ta cũng vững tin ở phương châm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Vừa thoát khỏi đại dịch, chúng ta lập tức bắt tay vào phục hồi những hoạt động văn hóa. Chỉ lấy một thí dụ, chúng ta tổ chức sự kiện thể thao SEAGames 31 diễn ra ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố trong cả nước trong tháng 5/2022 khá chu đáo, giữ gìn an ninh tuyệt đối, là cơ hội quảng bá hình ảnh, tạo vị thế mới của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, là sức hút mạnh mẽ bạn bè và khách du lịch đến với Việt Nam.

Giá trị quan trọng của Bản đề cương về văn hóa Việt Nam ngày càng được chứng minh: chỉ có vận dụng nguyên tắc “Dân tộc hóa” thì ngành văn hóa mới trường tồn, dân tộc Việt Nam mới trường tồn.