“Gần một nửa trong hơn 21 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là các nhà báo nữ, mà tôi mới chỉ vẽ được 100 người. Mong rằng trong tương lai, tôi sẽ còn có cơ hội tái hiện chân dung của nhiều nhà báo nữ hơn nữa,” nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 100 bức chân dung nữ nhà báo là những hiện vật văn hóa quý giá, làm dày thêm khối tư liệu của bảo tàng. Đây cũng là hướng đi mới của bảo tàng trong việc thu hút những trái tim “nặng lòng” với các tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống.
Nhiều tác phẩm trong số 100 bức chân dung được vẽ năm 2021, trong thời gian chữa trị và phục hồi cơn tai biến. Khi vừa vượt qua cơn bạo bệnh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phải buộc cọ vẽ vào tay, rồi nhờ đến sự trợ giúp của con mới có thể sáng tác. Nhà báo Nguyễn Mỹ Hạnh (bút danh Hạnh An An) tâm sự, cô hạnh phúc vô cùng bởi chưa bao giờ nghĩ rằng tranh chân dung của mình sẽ được trưng bày tại một bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. “Khi đồng nghiệp kể rằng thấy bức chân dung của tôi tại bảo tàng, tôi còn không dám tin là thật. Đây là món quà vô giá từ bậc “trưởng lão” Huỳnh Dũng Nhân, một người anh mà tôi vô cùng quý mến và tôn trọng trong cả nghề nghiệp lẫn cuộc sống”.
“Trong hơn 500 bức chân dung tôi từng vẽ thì nhân vật là nhà báo chiếm phần lớn, vì tôi luôn rất trân trọng những người đồng nghiệp. Hoặc có thể vì nếu lỡ vẽ không giống thì họ sẽ không nặng lời chê mình chăng, nhà báo với nhau cả mà”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dí dỏm: “Các nhà báo nữ “khó tính” hơn các nhà báo nam nhiều, vì các chị em bao giờ cũng muốn bản thân mình trong tranh đẹp hơn ngoài đời. Mà tôi mới là một người vẽ nghiệp dư, trước chỉ học vẽ ở trường năng khiếu nghệ thuật Hà Nội hai năm, nên mong mọi người xem tranh của tôi trên tinh thần vui là chính”.