Biển đảo thiêng liêng qua trang sách
“Tuổi thanh xuân ở Trường Sa” gồm các bài viết với nhiều thể loại của các tác giả như Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Hữu Quý, Hữu Việt, Nguyễn Văn Học, Phạm Vân Anh, Trần Thành, Đỗ Doãn Hoàng, Lữ Mai… về miền biển đảo thiêng liêng, đưa người đọc theo hải trình ra quần đảo Trường Sa cho đến những hoạt động công tác, những góc tâm tư, tình cảm của người lính đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, những người lính phục vụ trên chuyến tàu chở đoàn công tác “mang hơi thở đất liền” ra tới đảo.
Sự thiêng liêng, hào hùng và cả bi tráng được thêu dệt qua nhiều hoàn cảnh, số phận con người trên đảo. Có những người lính xa nhà, xa quê hương, ngày nào cũng khóc sau những ngày đầu ra đảo. Còn cả anh lính nhớ người mình yêu, nhớ vợ và con nhỏ nhưng nén lại qua cánh hoa ốc, gửi nỗi nhớ theo sóng vào đất liền. Hay có người không kịp làm trọn chữ hiếu khi bố mẹ già đổ bệnh… Tuy hoàn cảnh khác, nốt trầm sâu thăm thẳm ấy lại càng khác, nhưng họ đã nén lại cái tôi riêng để tạo nên cái ta chung thật cao cả. Nghĩ về những người lính đang công tác trên đảo Trường Sa, nhà văn Phạm Vân Anh tự hào: “Đó là những người trai dũng cảm và tràn đầy trách nhiệm với Tổ quốc và dân tộc. Tôi đã gặp một Trường Sa rất trẻ/Mười chín đôi mươi da óng mật đất trời/Trần vai gánh đất liền ra với đảo/Tỏa lành nụ cười như hoa phong ba. Họ thật sự là những chiến binh dũng cảm và là điểm tựa tin yêu của nhân dân”.
Cuốn sách như món quà tri ân các cán bộ chiến sĩ, lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, những người mang truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Đây là những con người đã hy sinh, chịu bao gian khổ để ngày đêm bám biển và giữ vững chủ quyền đất nước. Chúng ta cần tôn vinh và biết ơn những giá trị và hành động cao cả của những người lính nơi đảo xa.
Chị Nguyễn Bích Ngọc, biên tập viên NXB Dân Trí chia sẻ: “Mong rằng cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu hơn về cuộc sống của quân và dân, nhà giàn trên quần đảo này, để từ đó thêm yêu, thêm trân trọng và xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Vẽ đảo thắm thiết bằng văn chương
Cũng là Trường Sa, cũng là “tam giác máu và lửa” Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao” và cả những người lính tuổi còn đôi mươi, nhưng mỗi tác giả lại là một góc nhìn, một cảm xúc khác nhau đến lạ.
Rất nhiều thứ nơi Trường Sa đều có thể trở thành niềm cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ, tác giả khi đặt chân đến đảo. Như bầu trời sao, ngọn đèn, ô cửa và sóng đều trở thành cảm hứng viết của kỹ sư Trần Thành. Hay những rạn san hô quý hiếm và nằm sâu dưới vùng biển đảo Trường Sa lại thu hút sự quan tâm của nhà văn Phạm Vân Anh. Mỗi tác phẩm lại là những câu chuyện chung quanh món đồ vật dung dị nhưng lại thật đặc biệt.
Nhà văn Phạm Vân Anh bồi hồi nhớ lại: “Đó là duyên may của tôi khi có dịp theo các cán bộ của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga trong chuyến khảo sát đa dạng sinh học ở khu vực quần đảo Trường Sa. Các cán bộ đã lặn cùng máy quay dưới nước và mang những thước phim vô cùng sinh động dưới mặt biển cùng một số mẫu vật lên tàu. Bài ký tôi đã viết ngay trên tàu bởi sự diễm lệ của một không gian kỳ ảo màu sắc dưới biển Trường Sa. Vẻ đẹp đó khiến tôi say đắm”.
Với tình yêu thiên nhiên và con người nơi đảo Trường Sa, các tác giả đã gửi gắm tình yêu của mình vào trong từng bài viết. Với Trần Thành là sự xót xa khi tham dự lễ tưởng niệm cho những người đã ngã xuống trong trận chiến tại Gạc Ma năm 1988 , “cảm giác lạnh, lạnh đến buốt xương khi lễ tưởng niệm diễn ra nó ở sâu lắm dưới lòng biển mặn. Cùng lúc ấy nhiều không gian, gương mặt chợt đồng hiện”. Hay cũng trong tác phẩm “Bao nhiêu năm vẫn đợi con về…” của Trần Thành có đoạn “Gió khuya cũng lạ, quanh quất mãi như chứa đựng bao tâm tình rủ rà rủ rỉ, như hơi thở con người nằm lại đâu đây”, dấy lên cảm xúc buồn khó tả.
Có những tác giả lại chọn cho mình cách thể hiện một tình yêu lạc quan hơn với không khí vui tươi, nhộn nhịp cảnh sinh hoạt của người lính. Trường Sa gần gũi với bữa cơm tất niên là một kỷ niệm đáng nhớ của nhà báo Trần Quyết: “Sau bữa cơm tất niên, tuổi trẻ đơn vị phối hợp với tuổi trẻ địa phương tổ chức chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, với các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ…”.
Mỗi nhà văn, nhà báo, tác giả đến Trường Sa, đều mang trong mình lòng biết ơn đối với những người đã nằm xuống vì chủ quyền biển đảo. Qua mỗi bài viết của mình, các tác giả đều mong muốn góp thêm một tiếng nói để người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu và hiểu biển đảo để từ đó cùng gìn giữ lấy nơi đây. Nhà văn Nguyễn Phú tự hào: “Với tình cảm của một người lính, rất nhiều lần, mạch đập trái tim tôi hướng về đồng đội - những người lính, và tất cả những con người đang cùng với bộ đội giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với tôi, họ là những con người dù thời bình hay thời chiến đều rất đáng được thấu cảm, chia sẻ, tôn vinh”.