Vi phạm nhiều năm, các cấp ở đâu?
Hàng trăm năm trước, tại khu vực quanh hồ Ba Bể, người dân đã sinh sống tập trung ở ba thôn, gồm: Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù, xã Nam Mẫu. Từ khi du lịch homestay phát triển, lần lượt các căn nhà sàn truyền thống bị phá bỏ, thay vào đó là các công trình kiên cố, cao tầng, không giấy phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng, làm “biến dạng” hồ Ba Bể.
Tại xã Nam Mẫu có khoảng 100 công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Ba Bể. Mặc dù không được phép chuyển nhượng đất đai trong vùng đệm, vùng lõi Vườn quốc gia cho người sinh sống ở ngoài khu vực nhưng tình trạng này vẫn diễn ra không kiểm soát được. Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Viện, tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể mua của người dân địa phương 1.087 m² đất trồng cây hằng năm ở thôn Cốc Tộc. Năm 2016, ông Viện xây dựng ba nhà sàn bê-tông cốt thép, đồng thời còn lấn chiếm hơn 500 m² đất rừng đặc dụng Vườn quốc gia Ba Bể đang quản lý để xây dựng năm nhà sàn bê-tông, tất cả đều với mục đích làm nhà nghỉ và đều không có giấy phép xây dựng theo quy định.
Tháng 2 vừa qua, Sở Xây dựng Bắc Kạn kiểm tra xác xuất thực địa tại 43 hộ gia đình ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc thì phát hiện cả 43 hộ xây dựng mới, sửa chữa không có giấy phép xây dựng. Trong đó, có tám hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp diện tích từ 20 m² - 1.700 m², như các hộ: Nguyễn Văn Viện, Ma Thị Mến, Trương Văn Vương, Dương Văn Quyết…; có 12 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như các hộ: Nguyễn Văn Viện, Ma Thị Mến, Nguyễn Văn Lộc, Triệu Văn Tươi…
Như vậy, tình trạng xây dựng tràn lan, lấn chiếm di sản quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Ba Bể diễn ra đã nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do một số quy hoạch ngành không thuộc thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt của UBND huyện Ba Bể nên công tác bàn giao, công bố công khai chưa được thực hiện. Một số mốc chỉ giới xây dựng và các mốc giới quy hoạch ngoài thực địa đã bị mất; các quy hoạch khác chưa thực hiện cắm mốc ngoài thực địa.
Bao giờ xong quy hoạch bảo vệ?
Việc người dân có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở để phát triển du lịch là chính đáng. Nhưng bất cập là ở chỗ, bên cạnh yếu kém trong quản lý thì ba thôn nói trên chịu sự quản lý của nhiều ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật, như: Đất đai, Xây dựng, Lâm nghiệp, Di sản.
Mặt khác trên địa bàn có nhiều loại bản đồ của nhiều ngành quản lý, lập ở nhiều thời kỳ, tỷ lệ không đồng nhất, việc lập các loại quy hoạch bị chồng chéo. Quá trình lập bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể ban hành kèm theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, lại chưa tính tới phương án cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ của người dân đã sinh sống lâu đời ở đây. Chính vì vậy, cả ba thôn đều nằm trọn trong vùng 1 (vùng giữ nguyên trạng) và vùng 2 của bản đồ. Theo quy định tại điểm 13, Điều 1, Luật Di sản văn hóa, các hộ nằm trong vùng 1, vùng 2 có nhu cầu cải tạo, xây mới nhà ở phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch là điều không khả thi. Quy hoạch sử dụng đất và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể không thống nhất cũng là điều gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý xây dựng tại đây.
Cần thấy rằng việc xây dựng không phép tràn lan trong thời gian qua, trách nhiệm không chỉ riêng thuộc về huyện Ba Bể. Để giải quyết triệt để vấn đề thì cần phải quy hoạch lại. Hiện, Bắc Kạn đã giao cho UBND huyện triển khai nhiệm vụ quy hoạch di tích đặc biệt cấp quốc gia danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Đây là quy hoạch cấp quốc gia, do vậy, các bộ, ban, ngành trung ương cần quan tâm, phối hợp triển khai nhiệm vụ quy hoạch và tiến hành quy hoạch trong thời gian sớm nhất, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Trong số 43 hộ đã nêu ở trên, chỉ có 10 hộ đã được các cơ quan quản lý lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Tuy nhiên, các quyết định xử lý vi phạm chưa được chấp hành và các cơ quan quản lý chưa thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành theo quy định. Hiện nay, tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp.