Trái tim kim hoàn

Nghệ nhân kim hoàn quốc gia Trần Văn Anh (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú và ẵm vô số kỷ lục với những tác phẩm chạm khắc đặc sắc. Anh còn lập bảo tàng tư nhân về kim hoàn cho mai sau.

Nghệ nhân Trần Văn Anh trong không gian tái tạo khung cảnh chế tác của bảo tàng.
Nghệ nhân Trần Văn Anh trong không gian tái tạo khung cảnh chế tác của bảo tàng.

Nâng nghề, sáng nghiệp

Văn Anh được ghi danh nhiều lần trong sách kỷ lục Việt Nam. Danh đến, phận đủ đầy nhiều mặt, anh vẫn là con người hồn hậu và mộc mạc như ngày đầu tôi gặp cách đây hơn 10 năm. Anh bảo, được vinh danh trong sách kỷ lục thì vui chứ, nhưng sung sướng nhất vẫn là sự trầm trồ của người xem.

Anh trưởng thành trong gia đình có ba đời làm nghề kim hoàn. Tiếp nối từ người ông, người cha cũng chính những người thầy đầu tiên, cậu bé sớm bộc lộ hoa tay, nhưng để nâng lên một bậc trong tay nghề, cần phải qua trường lớp. Những năm 1980, anh vào TP Hồ Chí Minh học cao đẳng mỹ thuật. Theo tiếng gọi của gia đình, anh về quê để kế nghiệp ông, cha. Theo thời gian, cái duyên đến với những tuyệt tác kim hoàn của anh gắn với những câu chuyện vừa thi vị, vừa thấm mồ hôi khổ luyện.

Từ nhỏ, ba anh đã nhiều lần căn dặn về phẩm chất nhẫn nại trong cuộc sống, công việc, rằng “bách nhẫn thành kim”. Anh hiểu rằng, để có được  một tác phẩm, người nghệ nhân không chỉ có tài mà phải tâm huyết, yêu nghề thật sự. Hơn thế, đức tính tỉ mỉ, cẩn thận, đặc biệt nhẫn nại với những chi tiết cực nhỏ trong thủ công mỹ nghệ là điều cực kỳ quan trọng. Ấp ủ những suy tư đó, năm 2005, anh bắt tay vào bộ tranh “Đến với Tâm, về với Nhẫn” gồm bức “Bách tâm đồ” với 100 chữ “tâm” và bức “Bách nhẫn đồ” với 100 chữ “nhẫn”. Mỗi chữ “tâm”, chữ “nhẫn” là mỗi khác biệt với những chữ còn lại ở những biến thể điêu luyện được chạm khắc tinh xảo, ghép thành hai bức tranh, mỗi bức cao 3,4 m, rộng 1,8 m. Năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập tác phẩm là bộ tranh thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam. 

Hai năm sau, tại chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21, Trần Văn Anh một lần nữa được vinh danh trong sách kỷ lục với tác phẩm “Quảng Nam nhị tú”. Đó là chiếc nhẫn bạc lớn nhất Việt Nam có đường kính 21 cm, trọng lượng 1,2 kg, chạm trổ hình ảnh chùa Cầu (Hội An) và đền tháp Mỹ Sơn. Tác giả chạm trổ ngược từ trong ra ngoài, tính thẩm mỹ của các chi tiết hoa văn càng sống động. Đỉnh nhẫn là viên đá quý mầu trắng xanh với dòng chữ “Quảng Nam - Một điểm đến, hai Di sản văn hóa thế giới”.

Tôn vinh nghề làm đẹp

Những năm qua, anh vừa cần mẫn sáng tạo vừa cất công đi khắp hơn 300 tiệm vàng trên 18 huyện, hai thành phố của Quảng Nam để sưu tầm hiện vật xây dựng bảo tàng lưu giữ, trưng bày những dụng cụ của nghề thủ công mỹ nghệ mà điểm nhấn đặc biệt là về nghề kim hoàn truyền thống trong khuôn viên bảo tàng hơn 1.200 m2.

Anh đưa vào trưng bày trong bảo tàng những dụng cụ thô sơ như dùi, cưa, thước, cân tiểu ly, búa, kéo, mỏ hàn..., tái tạo không gian làm việc của người thợ kim hoàn. Quanh chiếc bàn làm việc của người thợ là tất cả những dụng cụ của nghề chế tác kim hoàn thuở ban sơ. Ngoài việc trưng bày hay để khách chụp ảnh check in, một người thợ kim hoàn khi ngồi vào đấy, hoàn toàn có thể thực hiện những thao tác của nghề theo cách truyền thống. 

Trần Văn Anh còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập dụng cụ nghề kim hoàn, trong đó có bộ sưu tập gần 300 con dấu cùng chữ ký của chủ nhân những tiệm kim hoàn ở xứ Quảng. Anh chia sẻ, niềm mong muốn tột vời của tôi là khách được chiêm ngưỡng những tác phẩm kim hoàn trong một không gian ấn tượng. Bởi lẽ, bản thân trang sức có sứ mệnh điểm trang cho đời, khi trang sức là tác phẩm độc đáo, tinh tế, người thưởng ngoạn phải được chiêm ngưỡng chúng trong một không gian sang trọng, thơ mộng xứng tầm giá trị của tác phẩm. Nhiều đêm, khi vừa nhớ ra một câu thơ cổ hay mường tượng nét mặt giai nhân trong chốn hoàng cung, anh liền ngồi dậy phác thảo, tạo tác, góp thêm vào bộ sưu tập của bảo tàng. 

Xuân này, xứ Quảng sẽ thêm một nơi chốn để tự hào về làng nghề thủ công nhờ nghệ nhân cả đời chạm khắc cái đẹp.

Phù điêu “Thiên long Việt đồ” lấy cảm hứng từ biểu tượng rồng Việt cùng tình yêu quê hương, biển đảo. Văn Anh dày công chạm khắc 1.000 con rồng với đủ hình dáng, tư thế thăng giáng khác nhau. 1.000 con rồng cuộn mình tạo thành bản đồ Việt Nam dáng vươn ra Biển Đông. Tác phẩm được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng cúp kỷ lục quốc gia năm 2010. Cùng năm đó, tác phẩm được trưng bày trong Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam tại Hà Nội, thu hút công chúng trong và ngoài nước.