Theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 2018, tổng lợi nhuận của 25 công ty dầu khí hàng đầu thế giới đạt khoảng 30 nghìn tỷ USD. Cùng giai đoạn, thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu có liên quan hoạt động của các công ty này ước tính tới 20 nghìn tỷ USD. Nghĩa là, dù có thực hiện đền bù thiệt hại theo yêu cầu, thì các “ông lớn năng lượng” vẫn kiếm được 10 nghìn tỷ USD!
Trong bản danh sách của Climate Analytics có một loạt tên tuổi lớn trong ngành năng lượng như ExxonMobil, Shell, BP và Chavron, cùng các công ty dầu khí quốc gia như Aramco của Saudi Arabia, Gazprom của Nga, NIOC của Iran, ADNOC của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...
Tác giả chính của báo cáo, TS Carl-Friendrich Schleussner chỉ rõ: Hiểu biết về vấn đề biến đổi khí hậu, song các hãng dầu khí lớn vẫn tăng gấp đôi quy mô kinh doanh. Họ đã thu lợi nhuận khổng lồ trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, khiến ngày càng nhiều người dễ bị tổn thương, nhiều quốc gia đang phát triển gánh chịu hậu quả.
Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) năm 2022, các bên nhất trí lập “quỹ đền bù” cho tổn thất vì biến đổi khí hậu và đề xuất áp thuế 10% đối với lợi nhuận của các công ty dầu khí lớn để đóng góp cho quỹ. Các công ty dầu khí cũng cam kết đầu tư vào công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, gần đây một số công ty có ý định rút lại cam kết.
Phát biểu ý kiến tại một hội nghị hồi đầu tháng 11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề khí hậu, ông John Kerry cho rằng, một phần nguyên nhân khủng hoảng khí hậu là cách thức cung cấp năng lượng. Các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch phải gánh vác trách nhiệm cắt giảm khí thải.
Lĩnh vực dầu khí được đưa vào chương trình nghị sự COP28, diễn ra tại UAE từ ngày 30/11 đến 12/12 tới. Đây là cơ hội để các “đại gia” năng lượng thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thông qua cam kết cụ thể và hiệu quả.