Mò kim đáy bể

Các quốc gia chưa tìm được tiếng nói chung về một hiệp ước quan trọng liên quan viện trợ tài chính khí hậu, vấn đề vẫn “giẫm chân tại chỗ” với những chia rẽ và tị nạnh về việc ai trả tiền và trả bao nhiêu. Thực tế này đe dọa khả năng đạt được thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29), dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 22/11 tại Baku, Azerbaijan.
Biếm họa: KENNY TOSH
Biếm họa: KENNY TOSH

COP29 được coi là “COP tài chính”, vì các nước giàu có chịu trách nhiệm chính về sự ấm lên của Trái đất có thể đưa ra cam kết mới, tăng đáng kể viện trợ cho các quốc gia nghèo hơn để hành động vì khí hậu. Số tiền cam kết hiện nay là 100 tỷ USD/năm sẽ hết hạn vào năm 2025, thấp hơn nhiều nhu cầu của các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nhà tài trợ lớn, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vẫn chưa tiết lộ con số tiền đóng góp, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đang rơi vào bất ổn chính trị và kinh tế.

Ở khía cạnh khác, dù ngày càng nhiều quốc gia, địa phương và doanh nghiệp cam kết trung hòa carbon, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động. Nhóm Net Zero Tracker - tập hợp các chuyên gia thuộc một số trung tâm nghiên cứu uy tín, trong đó có Trường đại học Oxford của Anh - vừa công bố báo cáo dựa trên các cam kết khí hậu của hơn 4.000 chính phủ, bang, thành phố và các tập đoàn lớn. Theo đó, có tới 1.700 chính phủ, địa phương và tập đoàn, chiếm hơn 40% trong số 4.000 thực thể trong danh sách nghiên cứu, chưa đưa ra bất kỳ mục tiêu nào về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo tình hình thực tế, những nỗ lực quốc tế nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện không đủ để kiềm chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận tại COP29 nhằm có được 1.000 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu, tức gấp 10 lần số tiền hiện tại, xem ra khó như “mò kim đáy bể”.