Cuộc đình công kéo dài gần một tháng qua của 33.000 công nhân tại khu vực Seattle đã làm trầm trọng thêm những khó khăn mà Boeing đang phải đối mặt. Những công nhân này đã ngừng làm việc từ ngày 13/9 sau khi bác bỏ một đề xuất hợp đồng. Boeing cho biết đã nộp đơn lên Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia (NLRB) khiếu nại việc nghiệp đoàn đại diện các công nhân nhà máy Bờ Tây của Mỹ không có thiện chí thương lượng.
Hệ quả của cuộc đình công này được cho là đã góp phần vào khoản lỗ lên tới 5 tỷ USD trong kết quả kinh doanh hàng không thương mại của công ty quý III vừa qua. Trong thông cáo báo chí, ông Kelly Ortberg nhấn mạnh: "Bất chấp những thách thức trước mắt, chúng tôi đang thực hiện những quyết định chiến lược quan trọng cho tương lai. Những hành động quyết đoán này, cùng với những thay đổi cơ cấu chủ chốt, là cần thiết để duy trì tính cạnh tranh lâu dài". Trước đó, để giải quyết các khó khăn tài chính hiện nay, Boeing đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên văn phòng nghỉ phép luân phiên, cũng như tạm dừng triển khai phần lớn các đơn đặt hàng linh kiện, ngoại trừ linh kiện cho máy bay 787 sản xuất tại Nam California.
Để thích ứng tình hình, Boeing cũng đã quyết định lùi thời gian giao hàng của mẫu máy bay 777X đến năm 2026, từ kế hoạch ban đầu vào năm 2025. Hãng cũng sẽ ngừng sản xuất mẫu máy bay 767 Freighter vào năm 2027 khi hoàn tất các đơn hàng hiện tại.
Boeing đang phải đối mặt áp lực không chỉ từ cuộc đình công mà còn từ việc kiểm tra an toàn hàng không và những vấn đề trong chương trình không gian Starliner. Trong bối cảnh căng thẳng này, ông Ortberg đã cam kết sẽ tăng cường "giám sát bổ sung" đối với các hoạt động quốc phòng và không gian của Boeing.
Với tình hình hiện tại, Boeing không chỉ đối mặt với nguy cơ tài chính mà còn có thể mất điểm xếp hạng tín nhiệm đầu tư, một thách thức lớn đối với một trong những tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới. Nếu không muốn tiếp tục trượt dài trong kinh doanh, Boeing cần một sự cải tổ triệt để cả về con người lẫn kỹ thuật trong thời gian tới.