Tổng đốc Vi Văn Định, tấm lòng đi theo cách mạng

Nhân dịp 145 năm ngày sinh của cố Tổng đốc Vi Văn Định (1878-1975), cùng lắng nghe những câu chuyện về ông qua lời kể của một người cháu ngoại, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Để rồi, lý giải tại sao một nhân vật từng giữ chức Tổng đốc do thực dân Pháp bổ nhiệm, nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Chân dung Tổng đốc Vi Văn Định.
Chân dung Tổng đốc Vi Văn Định.

Cho đến nay, nhiều nhân vật lịch sử từng làm quan dưới thời thuộc địa vẫn còn là nỗi băn khoăn khi nhắc lại. Bởi đã từng có một khoảng thời gian dài, họ chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm. Trong những viên quan ấy, khi nhìn lại về con người Vi Văn Định, điểm nổi bật nhất ở vị nhân sĩ này phải kể đến nhân cách, tình yêu nước, tình yêu và trách nhiệm bảo vệ mảnh đất nơi ông gắn bó. Đây cũng là truyền thống của dòng họ Vi được truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Trấn áp nạn giặc giã cướp phá

Trước tình hình đất nước bấy giờ đang bị giày xéo dưới vó ngựa của giặc Minh, với lòng yêu nước sục sôi, các vị tổ của dòng họ Vi ở Bản Chu, Lạng Sơn, vốn ở Vạn Phần, Diễn Châu, Nghệ An, đã đi theo ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, chiến đấu ở vùng đất Lạng Sơn đánh đuổi ngoại xâm. Sau ngày khải hoàn, họ được vua Lê phong tước Quận công, cấp đất cho ở lại đây coi giữ vùng biên giới. Trải qua 4, 5 thế kỷ cư trú và hòa huyết với cư dân bản địa, mảnh đất Lộc Bình, Lạng Sơn vì thế mà trở thành quê hương của dòng họ Vi.

Dù quân ngoại xâm đã bị đẩy lùi, nhưng cuộc sống của người dân vùng biên viễn chưa bao giờ được hoàn toàn bình yên. Ở nơi cửa ngõ biên giới phía Bắc, trên con đường trao đổi hàng hóa cơ bản nhất giữa Việt Nam và Trung Hoa, tồn tại cùng với không khí giao thương sầm uất là tình trạng cướp phá, trấn lột diễn ra triền miên. Song, chính vì sự gắn bó lâu đời với mảnh đất này, các thế hệ họ Vi đều nhận thức được trách nhiệm gánh trên vai với nơi địa đầu Tổ quốc này là vô cùng to lớn, nên đã luôn dẫn đầu dẹp nạn cướp bóc hoành hành.

Vào giữa thế kỷ 19, Ngô Côn và tàn dư của quân Thái Bình Thiên quốc bị đánh ở Trung Hoa tràn sang nước ta, hoành hành vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Những chuyện bọn phỉ ở bên kia biên giới thường xuyên sang cướp lương thực, cướp và buôn bán phụ nữ, rồi bọn giặc cướp trong nước sách nhiễu dân chúng như thế nào và chúng đã bị trấn áp ra làm sao… được lưu lại trong cuốn tự trạng về cuộc đời binh nghiệp của ông Vi Văn Lý, Hiệp biện Đại học sĩ, Tổng đốc lãnh Tuần phủ Lạng Sơn và Cao Bằng, cha của ông Vi Văn Định.

Suốt một đời gắng sức bảo vệ quê hương, thế nhưng gia đình họ Vi không tránh khỏi điều bất hạnh. Tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, bọn phỉ trả thù ông Vi Văn Lý bằng cách đào mộ thân phụ ông, lấy xương cốt đem về Trung Hoa và đòi 2.000 quan tiền chuộc, sau giảm xuống còn 1.000 quan. Trong một lần bọn cướp tràn vào Bản Chu, chúng đã bắt mất một người vợ đang mang thai của ông Vi Văn Lý. Ông Lý đã nhiều lần tìm kiếm, mong muốn chuộc lại người vợ của mình, nhưng mọi sự bất thành. Cũng vì chưa tìm lại được người vợ đã mất tích của cha, ông Vi Văn Định luôn thường trực trong tâm nỗi khắc khoải. Là người kế thừa truyền thống giữ yên đất nước được hun đúc từ những ngày khởi nghĩa Lam Sơn, cũng như truyền thống thường trực chống cướp ở biên giới, lại sống trong một gia đình là nạn nhân của nạn giặc giã từ phương Bắc, ông Định như càng được tiếp thêm ý chí chiến đấu mạnh mẽ, bảo vệ sự bình yên cho các mái nhà nơi địa đầu Tổ quốc, để không một gia đình nào phải lâm vào cảnh ly tán, mất người thân.

Tổng đốc Vi Văn Định, tấm lòng đi theo cách mạng ảnh 1

Vi gia thế phả toát yếu.

Tình yêu nước trong thế giằng co

Hiểu được sức ảnh hưởng to lớn của họ Vi ở biên ải Lạng Sơn và năng lực của ông Vi Văn Định, thực dân Pháp đã sử dụng ông cai trị từ các tỉnh nhỏ như Lạng Sơn, Cao Bằng đến các tỉnh lớn ở miền xuôi như Phúc Yên, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông. Dù xuống miền xuôi, tình yêu và trách nhiệm với đất nước vẫn ánh lên ở con người Vi Văn Định qua việc bảo vệ sự bình yên cho những vùng đất ông cai quản, cải thiện đời sống của người dân địa phương. Tài liệu lưu trữ cho biết, vị tổng đốc này đã lo lắng, đôn đốc việc đắp đê, đào kênh, vớt bèo Nhật Bản, tăng vụ lúa, trấn áp trộm cướp, cờ bạc hay đã từng ra lệnh cấm đốt pháo ngày Tết để tránh thương tích cho dân, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, chủ trương lập quán trọ cho học sinh ở xa trường, tìm việc làm cho những người tham gia phong trào cộng sản nhưng không bị kết án,…

Sống trong một xã hội rối ren vì mất nước, trách nhiệm ấy vô hình trung đã đẩy vị quan tổng đốc vào bi kịch. Một bi kịch mà trong đó, ông buộc phải lựa chọn giữa việc hoàn thành nhiệm vụ của một người đứng đầu tỉnh, giữ gìn an ninh, trật tự của địa phương, bảo đảm cuộc sống bình yên cho những người dân nơi đó, hay bảo vệ cho những người đồng bào của mình hoạt động cách mạng. Dẫu biết, sự lựa chọn nào cũng khiến ông phải đau đáu, nhưng rồi ông cũng đành ngậm ngùi vì số đông.

Năm 1930, trong một phong trào nổi dậy nổ ra ở Thái Bình, thuộc hạ của ông Vi Văn Định đã bắt được ông Nguyễn Văn Ngọ, hay gọi Ba Ngọ, sau là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thái Bình, và giam trong dinh tổng đốc. Cứ đến giờ nghỉ trưa, ông lại được đưa lên đọc báo và hầu chuyện ông Định. Sau rồi ông Định đã thả ông Ba Ngọ được tự do.

Một lần tham dự hội chợ đấu xảo ở Hà Nội vào năm 1936, tình cờ gặp lại ông Ba Ngọ trong thoáng chốc, ông Vi Văn Định mới khẽ thông báo với ông Ba Ngọ rằng, hiện đang có mật thám theo dõi và dúi vào tay ông một ít tiền đi đường. Hành động hỗ trợ một nhà hoạt động cách mạng này đã cho thấy ông là một trong số quan dưới thời thuộc địa, dù chịu sức ép dưới chính quyền thực dân, nhưng cũng sớm hiểu được công việc của những người cách mạng.

Một lòng theo cách mạng

Năm 1942, viên tổng đốc rời chốn quan trường, trở về quê hương để nghỉ ngơi. Trước khi đoàn nước ta lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phải cho người lên Lạng Sơn mời cho được ông Vi Văn Định về Hà Nội. Nếu không, e là bọn Pháp sẽ âm mưu lôi kéo ông. Đúng như dự liệu của Hồ Chủ tịch, sau Cách mạng Tháng Tám, nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Người, thực dân Pháp đã định mời Vi Văn Định rồi con trai ông, ông Vi Văn Kỳ ra làm vua xứ Nùng tự trị do chúng lập ra ở biên giới phía Bắc. Nhưng vì hiểu rõ dã tâm của Pháp, cha con ông Định đã kiên quyết từ chối. Tháng 7 cùng năm, để không bị bọn Pháp lôi kéo, ông Ba Ngọ đã lên Lạng Sơn gặp ông Vi Văn Định, đây là lần đầu hai ông gặp nhau kể từ sau hội chợ đấu xảo năm đó. Và rồi, ông Định đã nhận lời mời của Bác Hồ về Thủ đô, chính thức đi theo chính quyền cách mạng từ đây.

Những năm kháng chiến chống Pháp, ông Vi Văn Định cùng con cháu, gồm các ông Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên và Tôn Thất Tùng lên chiến khu Việt Bắc. Sau khi lên chiến khu, ông Định luôn được sống trong ATK gần Bác. Năm 1949, chính Bác đã đặt tên cho con gái út của ông là Hạ Yên, để kỷ niệm những ngày kháng chiến gian khổ cùng ở xã Hạ Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Năm 1951, trong Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt diễn ra tại Chiêm Hóa, ông Định được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên Việt (tức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay).

Có thể thấy, nhãn quan sắc sảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại khi nhìn nhận đúng con người và đưa ra đánh giá rất công tâm trước những đóng góp của các nhân sĩ dưới thời thuộc địa, trong đó có ông Vi Văn Định.

Không cam chịu kiếp sống trong một xã hội vào tay thế lực ngoại quốc, noi gương thế hệ trước đã tụ nghĩa cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, ông Vi Văn Định đã một lòng tham gia vào một tổ chức chính trị quan trọng của Đảng có đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau kỳ đại hội, trong cuộc gặp gỡ các vị ủy viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi ông Vi Văn Định cùng các nhân sĩ bền bỉ theo kháng chiến.