Đổi mới sản phẩm
Nhớ lại 8 năm trước, khi tìm hiểu thị trường, chị Liên nhận thấy dòng sản phẩm về dầu tràm được khách du lịch lựa chọn nhiều tại các cửa hàng lưu niệm. Đây cũng là mặt hàng được tệp khách hàng mẹ và bé có nhu cầu sử dụng cao. Trong khi đó, mẹ chồng chị ở Quảng Trị cũng tự chưng cất dầu tràm để bán ở chợ. Với mong muốn cho ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng, chưng cất nguyên chất không pha trộn và khôi phục, khai thác rừng tràm hợp lý, chị Liên đã quyết định thử khởi nghiệp với thương hiệu Mệ Đoan. Đối với nguồn nguyên liệu, chị bảo đảm bao tiêu đầu ra với một hợp tác xã đang trồng và khôi phục tràm tự nhiên tại Quảng Trị. Phía hợp tác xã cam kết trồng tràm đúng kỹ thuật, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thu hái có kế hoạch.
Đối tượng khách hàng ban đầu hướng đến là mẹ và bé sau sinh, nên chị Liên song song cho ra sản phẩm về tinh dầu tràm và cao/chè lá vằng. Công thức thực hiện cũng kế thừa từ các thế hệ làng nghề truyền lại. Tuy nhiên, khi mang đi chào hàng, chị bị từ chối vì bao bì mẫu mã xấu, thiếu các thông tin, giấy tờ về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Sau nhiều tháng cải thiện, đổi mới, có được các chứng nhận, sản phẩm Mệ Đoan đã bắt đầu được khách hàng chọn lựa.
Nhận thấy bài thuốc của ông bà rất tốt, nhưng chưa có kiểm chứng về mặt chất lượng cũng như chưa phổ biến ra bên ngoài nên chị quyết tâm tự chứng minh cho sản phẩm. Qua nghiên cứu, nhận thấy tuy tất cả thảo mộc đều tốt nhưng khi kết hợp vẫn có một số công thức không cần thiết, hoặc việc sử dụng nguyên liệu tươi dễ bị hư hỏng. Chị đã tìm ra công thức bóc tách, chiết tinh chất của nguyên liệu để kết hợp thành một sản phẩm mới. Tinh dầu tràm ngâm củ nén (hành tăm) và tinh dầu khuynh diệp ngâm củ nén ra đời.
Sau khoảng 3 năm, các sản phẩm Mệ Đoan đã có mặt trên thị trường, được khách hàng ủng hộ và đều đặn có đơn hàng. Vùng nguyên liệu cũng mở rộng lên tới 80 ha. Từ đây, Mệ Đoan cũng có được định hướng của mình, là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu cải tiến các công thức mới từ dược liệu để mang ra thị trường sản phẩm mới và chất lượng.
Hướng đến xuất khẩu
Từng dòng sản phẩm mới được chị Liên cùng các cộng sự nghiên cứu và cho ra đời hướng với nhiều đối tượng khác nhau như cao đuổi muỗi, các dòng tinh dầu, lá xông thảo mộc, cao hà thủ ô, dầu xoa bóp. Đến nay, Mệ Đoan đang có 20 sản phẩm ở ba thương hiệu: Mệ Đoan, Ola Papi, Nhất Phong với mong muốn cung cấp giải pháp trọn vẹn cho cả gia đình từ em bé đến người trưởng thành. Hiện sản phẩm đang có mặt ở siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng đặc sản, cửa hàng mẹ và bé trên cả nước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang chuộng xu hướng mua hàng trực tuyến nên Mệ Đoan cũng đang phát triển các kênh thương mại điện tử. Trung bình mỗi tháng đơn vị cung ứng ra thị trường 60 nghìn sản phẩm.
Ngoài chế biến, chị Liên cũng đang tích cực cho nhiều hoạt động trong năm sau là tìm hiểu mở rộng vùng nguyên liệu tại Đà Nẵng và bao tiêu cho bà con. Chị đã làm việc với một số hội nông dân các xã để trồng cây nén, dần dần sẽ phục hồi cây tràm, hướng đến mở cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng. Kho đóng gói hàng hóa cũng đang hỗ trợ tạo việc làm theo giờ cho 3 lao động là người khuyết tật với mong muốn khi mở rộng cơ sở có thể tạo thêm được việc làm cho nhiều người khó khăn hơn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, chị Liên cho biết điều đang thôi thúc chị lúc này đó là 36 lời đề nghị hợp tác của khách hàng Trung Quốc trong một lần tham dự hội chợ tại Nam Ninh (Trung Quốc). Trong đó, 2 đại lý sẽ nhập khẩu chính ngạch. Hiện nay sản phẩm đang chờ kiểm nghiệm để đạt giấy phép với kỳ vọng quý I/2025 Mệ Đoan có thể xuất khẩu. Đồng thời, chị cũng đã hoàn thiện chứng từ và chuẩn bị lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon.
“Năm tới, bên cạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, có lẽ điều tôi đang mong muốn nhất là chia sẻ được câu chuyện thương hiệu Mệ Đoan, về những giá trị của sản phẩm với xã hội. Đó là câu chuyện về mảnh đất miền trung, con người và cây cối vừa có sức sống mạnh mẽ nhưng cũng hiền hòa như mẹ Đoan, tên mẹ chồng của tôi”, chị Liên chia sẻ.