Gửi niềm tin vào mùa hoa Tết

Khi mùa xuân đang gõ cửa, những làng hoa truyền thống dọc dải đất miền trung, từ Dạ Lê Chánh (TP Huế), Hà Đông (Quảng Nam) đến Háo Đức (Bình Định) lại khấp khởi trước vụ hoa Tết. Tất bật trên những cánh đồng ngập sắc xuân, người trồng hoa ngóng chờ một vụ được mùa, được giá.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc hoa cúc tại làng hoa Hà Đông (Điện Bàn, Quảng Nam).
Chăm sóc hoa cúc tại làng hoa Hà Đông (Điện Bàn, Quảng Nam).

Người trồng hoa vào vụ Tết

Cánh đồng hoa Dạ Lê Chánh phường Thủy Vân (TP Huế) phủ sắc vàng tươi của hàng nghìn bông cúc. Bàn tay thoăn thoắt lặt lá vàng, chị Lê Thị Hòa chia sẻ, mỗi người trồng hoa ở Dạ Lê Chánh đều mong một mùa Tết ấm áp, để những chậu hoa mình vun trồng làm đẹp thêm cho mỗi gia đình đón xuân.

Gắn bó với nghề trồng hoa cúc hơn một thập kỷ, bà Huỳnh Thị Lãnh, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết: “Năm nay, thời tiết không thuận lợi, gia đình tôi chỉ trồng 600 chậu hoa cúc. Toàn bộ số hoa này đã được bán cho thương lái ở Nha Trang, Bình Định”. Theo thống kê, hơn 70% lượng hoa cúc tại Nghĩa Hiệp đã được đặt mua, chủ yếu vận chuyển đến các tỉnh, thành phố xa như Đắk Lắk, Nha Trang, Lâm Đồng, thậm chí ra tận đảo Lý Sơn.

Về giá cả, chậu hoa cúc có đường kính 50 cm thường được bán sỉ với giá từ 120-140 nghìn đồng. Với những chậu lớn hơn, đường kính 60 cm, giá dao động từ 200-220 nghìn đồng. Ông Vương Văn Thân, người cùng thôn Đồng Viên cho biết: Hoa của vườn tôi đã được đặt mua hết từ hơn một tháng trước. Những chuyến hàng đi xa đã xuất gần xong, chỉ còn chờ các đơn hàng gần để giao vào những ngày tới.

Anh Nguyễn Văn Tâm kể rằng, hoa cúc là loại hoa chủ lực của làng Hà Đông (Điện Bàn, Quảng Nam). Mỗi năm làng cho ra khoảng 30 nghìn chậu hoa. Anh Tâm cho biết: “Từ tháng 9 âm lịch, tôi bắt đầu chuẩn bị đất, chọn giống và xuống cây. Đến tháng Chạp, hoa mới bắt đầu khoe sắc, nhưng cũng là lúc lo lắng nhất vì nếu trời lạnh, mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng đến cả vườn hoa". Anh Tâm nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi và sức mua tăng cao, vụ Tết này gia đình anh có thể thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Khởi sắc mai vàng An Nhơn

Hằng năm, từ tháng 11 âm lịch, những làng mai tại thị xã An Nhơn (Bình Định) lại tất bật chuẩn bị cho dịp Tết. Mỗi ngày của người trồng mai bắt đầu từ rất sớm. Khi bình minh vừa ló rạng, họ đã có mặt tại vườn, bắt đầu công việc chăm sóc cây mai cho đến chiều tối.

Anh Lê Tấn Bộ, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An cho biết, nghề này rất vất vả do công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ từ việc tưới nước, bón phân, tỉa cành cho đến bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Chăm sóc cây mai không chỉ là công việc mà còn là một nghệ thuật. Người trồng mai phải am hiểu về đặc tính của từng giống mai, đặc biệt luôn phải theo dõi sát sao thời tiết, phòng trừ sâu bệnh bảo đảm cây mai phát triển tốt và nở hoa đúng dịp Tết.

Năm nay, do mưa bão, nhiều làng trồng đào ở miền bắc gặp khó khăn, dự báo nhu cầu chơi mai Tết tăng cao. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 11, hàng trăm thương lái từ các địa phương đã đổ dồn về làng mai Háo Đức và các khu vực lân cận, trong đó có nhiều thương lái sẵn sàng mua cả vườn, dù cây mai còn chưa tỉa lá, cắt cành.

Người trồng mai ở Nhơn An cho biết, năm nay mai nở đẹp và giá bán cũng cao hơn. Dù chưa vào chính vụ, nhưng có hộ đã bán đến hơn 1.500 gốc mai ra bắc. So năm ngoái, giá bán đã tăng lên đáng kể, từ mốc trung bình 400-600 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng/cây. “Được mùa, được giá, mọi người ai cũng vui. Đây là kết quả của cả một năm vất vả chăm sóc và nỗ lực không ngừng”, anh Bộ hồ hởi nói.

Đầu năm 2024, mai vàng An Nhơn đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mở ra nhiều cơ hội cho người trồng mai trong tỉnh Bình Định. Để phát huy giá trị và đưa mai vàng An Nhơn thành thương hiệu mạnh quốc gia, cần sự quản lý chặt chẽ và triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho người trồng mai về kỹ thuật chăm sóc, bảo quản và sản xuất mai vàng đạt tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị trên các kênh truyền thông, sự kiện triển lãm và hội chợ, giúp mai vàng An Nhơn tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng.

Theo UBND thị xã An Nhơn, trên địa bàn hiện có khoảng 1.500 hộ trồng mai kiểng, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1,6 triệu chậu mai, doanh thu từ sản xuất và kinh doanh mai cảnh đạt khoảng 80-100 tỷ đồng mỗi năm. Con số này cho thấy sự phát triển của nghề trồng mai và tiềm năng lớn của thị trường mai cảnh An Nhơn.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết, địa phương đang tích cực chuẩn bị tổ chức lễ hội Mai vàng An Nhơn (diễn ra từ ngày 6-8/2, tức mồng 9-11 tháng Giêng năm Ất Tỵ tại quảng trường Trung tâm thị xã) nhằm quảng bá, góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề trồng mai cảnh gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, tại lễ hội còn trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương; hội thi đánh cờ người, hội bài chòi, lễ hội đường phố; hội thi chim cảnh và các trò chơi dân gian hấp dẫn du khách đến tham quan và cổ vũ.

Lễ hội Mai vàng An Nhơn quy tụ 130 chậu mai là những tác phẩm nghệ thuật sống động, hứa hẹn thu hút sự chú ý của du khách. Đây là dịp để những nghệ nhân tài ba có cơ hội thể hiện tay nghề và sáng tạo trong việc tạo dáng, thế mai độc đáo.