Cây của miền nắng
Thốt nốt, hay thốt lốt, từ lâu đã được người dân Bảy Núi trìu mến gọi là “cây của miền nắng”. Những thân cây cao vút, tán lá xòe rộng như chiếc ô khổng lồ, đứng hiên ngang giữa cánh đồng, như chứng nhân thầm lặng của bao mùa mưa nắng nơi biên viễn. Loài cây mang dáng vóc kiêu hãnh còn hào phóng trao tặng con người tất cả, từ thân cây, lá, quài trái, cho đến từng giọt nước ngọt lành chắt lọc nơi hoa.
Mùa khai thác nước thốt nốt bắt đầu từ cuối tháng 11 và kéo dài đến tháng 5 âm lịch. Những buổi sáng tinh mơ, trên cánh đồng vang vọng tiếng gọi nhau í ới của những người đàn ông leo thốt nốt. Họ đùa vui rằng: “Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” - một cách nói dí dỏm về nghề leo cây để lấy nước, vốn đòi hỏi sự gan dạ và kỹ năng khéo léo.
Những chiếc thang tre dài, chắc chắn từng bậc, trở thành công cụ quen thuộc. Đôi tay chai sạn của người thợ bám chặt từng nấc thang, đôi chân rắn rỏi vững vàng từng bước, nhịp nhàng leo lên ngọn cây cao đến 30 m. Đến nơi, họ khéo léo rạch nhẹ cuống bông đực, buộc ống tre hay bình nhựa để hứng lấy từng giọt nước trong veo. Những giọt nước thấm đẫm sương trời, ngọt thanh, nhỏ đều qua đêm, như lời tri ân của cây dành cho người dân nhẫn nại chờ đợi mấy chục năm để cây trưởng thành.
Để nấu đường từ nước thốt nốt, từng giọt được mang lọc sạch, rồi đun trong nồi lớn đặt trên bếp củi. Lửa cháy bập bùng, những làn khói trắng tỏa lên, thoang thoảng hương mật đường. Người nấu đường phải đứng bên bếp liên tục khuấy đều tay, giữ cho lửa đều, để nước cô đặc từ từ, dần chuyển từ trong veo sang màu trắng ngà, rồi thành vàng óng, sánh đặc.
Khi đường đạt độ keo lý tưởng, từng mẻ được đổ vào khuôn hoặc hũ, để nguội, rồi gói trong lá thốt nốt khô. Những viên đường vàng ươm không chỉ mang vị ngọt thanh mà còn gói trọn mồ hôi, công sức và tình yêu lao động của người dân. Đó là sản vật quê hương, và cũng là niềm tự hào được vun đắp qua bao thế hệ.
Hương vị Tết từ sản vật quê hương
Ngày Tết ở miền Tây, đường thốt nốt là “linh hồn” của nhiều món ngon. Từ bánh tét, bánh bò, mứt dừa, chè đậu xanh đến nồi thịt kho, vị ngọt thanh của đường thốt nốt làm dậy lên hương vị Tết quê. Mẹ tôi thường dùng đường thốt nốt để sên mứt dừa, từng sợi dừa ngấm mật đường, trong veo và thơm lừng. Hay như nồi thịt kho trứng, mẹ dằn chút đường thốt nốt để nước màu óng ánh, thịt mềm và thơm hơn hẳn.
Một món ngon ngày Tết không thể thiếu là bánh bò thốt nốt. Từ bột gạo, nước cốt dừa và đường thốt nốt, bánh được đổ thành từng chiếc tròn xinh. Bánh nở bung, vàng ươm, thơm phức, vị ngọt dịu nhẹ, gói trong lá sò đo xanh mướt. Đám trẻ con ngày ấy, chỉ cần cắn một miếng bánh bò, vị mềm xốp và bùi ngọt lan tỏa khắp đầu lưỡi, đủ để cảm nhận cả mùa xuân quê hương.
Không chỉ gắn bó trong bếp, thốt nốt còn hiện diện trong những quán nước ven đường tại Tịnh Biên, Tri Tôn - nơi nghỉ chân của khách phương xa. Những ly nước thốt nốt tươi mát lạnh, hòa cùng múi thốt nốt trắng ngần, mềm ngọt làm dịu lòng lữ khách. Ai đi qua cũng muốn mua vài bịch đường, chai nước thốt nốt hay trái thốt nốt tươi để làm quà.
Mùa xuân này, niềm tự hào về nghề làm đường thốt nốt càng thêm trọn vẹn khi nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Danh hiệu ấy không chỉ khẳng định giá trị văn hóa, mà còn là động lực để người dân tiếp tục nâng tầm sản phẩm, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Giữa không khí xuân rộn ràng, tôi lại nhớ hình ảnh mẹ bên bếp lửa sên mứt, nhớ mùi thịt kho thấm đường thốt nốt, nhớ vị bánh bò ngọt dịu. Những ký ức ấy không chỉ là hương vị ngày Tết, mà còn là ký ức, tình thân, vẫy gọi người xa xứ trở về.
Xa xa trên cánh đồng, những hàng thốt nốt vẫn xanh biếc, ôm trọn niềm hy vọng cho một mùa xuân mới…
Không chỉ là công việc, nghề khai thác nước thốt nốt còn đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc từng cây. Người thợ phải biết cây nào đang “mệt” cần nghỉ ngơi, cây nào đủ sức tiếp tục cho nước. Những kinh nghiệm ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một phần của nghệ thuật lao động, bền bỉ gắn bó với đất trời Bảy Núi.