“Tôi rất vui vì được trở lại trường học”
Ngày khánh thành Làng Nủ mới, bé Hà Khánh Ngân và Hoàng Gia Hân (3 tuổi) diện bộ quần áo truyền thống dân tộc Mường tham gia biểu diễn văn nghệ. Các em là hai bé nhỏ tuổi nhất làng sống sót kỳ diệu sau cơn lũ dữ. Từ nay, các bé sẽ được chuyển về học tập tại điểm trường mầm non mới nằm ngay trong khuôn viên khu tái định cư. Đến đón con sau buổi học, nhiều bố mẹ không giấu nổi niềm hạnh phúc khi được nghe tiếng cười và tiếng hát trong trẻo của các con. Còn với các thầy, cô giáo ở đây, hôm nào họ cũng đi sớm, về khuya để hướng dẫn các bé tập văn nghệ rồi trang trí làm sao cho các phòng học được đẹp nhất. “Nhìn các em có những bữa ăn đầy đủ, có giấc ngủ ngon và cười nói vui vẻ khi đến trường đã là điều hạnh phúc nhất đối với chúng tôi”, cô Mai Hồng Nhung (giáo viên lớp 4-5 tuổi) nói.
Tại điểm Trường tiểu học - THCS Phúc Khánh 1 những ngày này, sân trường nhộn nhịp học sinh chạy nhảy, vui đùa, tiếng trống trường ngân vang, tiếng đọc bài ê a của lũ trẻ. Sau cơn bão, tất cả học sinh Làng Nủ (120 bạn) đều được đón ra ở nội trú. Các em được hỗ trợ vật chất để ăn, ở và chỉ bảo trong học tập. “Hiện nay sĩ số đi học luôn bảo đảm, tinh thần của các em đã ổn định. Tuần nào, nhà trường cũng có các hoạt động thu hút các em. Một tin vui là tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện mới đây, bạn Thu Hoài (lớp 9) là người Làng Nủ đã đoạt Giải khuyến khích môn Địa lý. Bạn Mai Lan (lớp 9) từng bị lũ cuốn, chân bị khâu mấy chục mũi và điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng vẫn hăng hái tham gia đội múa của trường”, cô Hiệu phó Hoàng Thị Mai Hoa chia sẻ niềm vui.
Cô giáo Hoàng Thị Sen, giáo viên chủ nhiệm lớp 6, cho tôi xem một bài văn của em học sinh đặc biệt Làng Nủ. Đó là em Mông Hoàng Thảo Ngọc, bệnh nhân đã trải qua “cuộc chiến sinh tử” kéo dài 50 ngày tại Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) bởi tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, suy hô hấp, tổn thương viêm phổi nặng do đuối nước và hít phải bùn đất... Trở lại trường, trong bài văn kể về hoạt động trải nghiệm của mình, Thảo Ngọc nhắc đến cơn lũ kinh hoàng đã vùi lấp em trong bùn đặc. Em nhắc đến những ngày điều trị ở phòng cách ly chỉ toàn máy móc, được các bác sĩ chăm chút tận tình. Khi trở về Làng Nủ, em không thấy ngôi làng cũ, em không thấy ông bà ngoại và cậu mợ. Đi học trở lại, em không thấy nhiều người bạn của mình. “Tôi rất vui vì đã được trở lại trường học cùng các bạn!” - câu kết của bài văn như vậy khiến cô Sen xúc động rơi nước mắt.
Cô Hiệu phó Hoàng Thị Mai Hoa còn cho biết: “Đối với những em học sinh đã đi học trở lại, chúng tôi cố gắng dạy bù những kiến thức bị hổng trong suốt thời gian nghỉ. Cùng với đó, việc quan trọng là giữ ổn định tâm lý cho các em. Các giáo viên trong trường đều dành những tình yêu thương vô bờ bến đối với học sinh của mình, đặc biệt là các em bị mất người thân, nhà cửa ở Làng Nủ. Mọi người đều trăn trở tìm cách giúp đỡ các mầm xanh tương lai hòa nhập cuộc sống sau thảm kịch”.
Cháu Mông Hoàng Thảo Ngọc (học sinh lớp 6) Trường tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh dự lễ khánh thành Làng Nủ mới. |
Cuộc hẹn ước
Đến thăm Làng Nủ mới khánh thành có một vị khách đặc biệt. Đó là thầy Nguyễn Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội. Ngay sau khi cơn lũ quét cướp đi ngôi làng và sinh mạng nhiều đứa trẻ, thầy Khang vô cùng xót xa và nhiều lần bật khóc. Từ trái tim, thầy muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những trẻ em bất hạnh: “Tôi là thầy giáo. Trước tình cảnh của bà con Làng Nủ, tôi nghĩ đến việc mong muốn tất cả những đứa trẻ được tiếp tục đi học, không có cháu nào phải bỏ học”. Vậy là thầy quyết định Trường Marie Curie sẽ “nuôi” số trẻ này ăn học đến năm 18 tuổi theo phương thức: Cấp tiền 3 triệu đồng/tháng/em, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.
“Chúng tôi đã đến từng nhà, từng trường ở Làng Nủ và đến cả các bệnh viện. Các cháu mất nhiều lắm, chỉ còn lại rất ít, rất đau xót. Chỉ còn 22 cháu của một ngôi làng nữa thôi; trong đó có 12 bé gái, 10 bé trai. Cháu bé nhất 3 tuổi đang học mẫu giáo và cháu lớn nhất 17 tuổi đang học lớp 12. Tôi quyết định “nuôi” tất cả và nhận là “ông nội” của các cháu. Tôi nay tuổi đã cao nhưng mong sống nhiều thêm một chút để chứng kiến các cháu trưởng thành”, thầy Khang chia sẻ.
Lần này, người thầy 75 tuổi với vóc dáng nhỏ bé, trời lạnh, nhiều khi lên những cơn ho đã trực tiếp lên Làng Nủ để chứng kiến tận mắt những đứa trẻ nhận ông là “ông nội” ăn ở, học hành ra sao. Ở Làng Nủ mới, thầy tới thăm nhà của 2 anh em Hoàng Xuân Phúc và Hoàng Gia Bảo mồ côi cả cha lẫn mẹ do lũ dữ. Tới nhà mới, thầy Khang gọi: “Bảo đâu rồi? Ra ông xem nào”, cậu chạy lại ôm ông rồi ngồi lọt thỏm vào lòng nghe ông hỏi chuyện như quen biết từ lâu. Ông xem từng vết thương của Bảo ở trên đầu rồi hỏi: “Chỗ này còn đau không?”. Bảo lắc đầu: “Không ạ!” rồi vén ngay quần “khoe” ông vết sẹo bằng gang tay đang dần lành ở đùi. Cuộc nói chuyện thân tình giữa ông cháu trong ngôi nhà của hai đứa trẻ giống như ngọn lửa sưởi ấm cả gian phòng. Thầy quay sang hỏi bà nội Hoàng Thị Hiến: “Nếu bà cho phép ông cháu nhận nhau, tôi xin nuôi chúng nó tới năm 18 tuổi”. Bà Hiến nói trong nước mắt: “Được, ông ạ! Cảm ơn ông đã cưu mang chúng”.
Cuộc gặp mặt ấm cúng và xúc động giữa “ông nội” Nguyễn Xuân Khang và 22 cháu mà ông nhận nuôi đã diễn ra ngay tại điểm trường mới của Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh. “Lên Làng Nủ lần này, tôi muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm của 23 ông cháu. Và tôi muốn 15 năm sau, khi hai cháu bé nhất ở đây là Gia Hân và Khánh Ngân vừa đủ 18 tuổi, tôi được đón các cháu về Hà Nội để chụp một bức ảnh có đủ 23 ông cháu” - thầy Khang nói điều giản dị.
Chuyến đi này, “ông nội” mang theo một chiếc hộp đựng “lời ước hẹn của ông cháu” được ghi dòng chữ “Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành”. Tâm sự với các “cháu nội”, thầy Khang nói: “Từ khi có thêm 22 đứa cháu, ông có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn, ăn nhiều hơn một chút. Dù biết giữ sức khỏe không dễ, nhưng ông muốn phấn đấu để 15 năm nữa được có mặt trong bức ảnh chụp chung khi các cháu đã trưởng thành”.
Tại Làng Nủ, trước sự xúc động của mọi người, ông cháu đều ký vào bản hẹn ước. Hai cháu bé nhất chưa biết chữ thì cùng bố mẹ “điểm chỉ”.
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh chia sẻ: “Thầy Khang là một trong số rất nhiều người đã giúp đỡ bà con và học sinh Làng Nủ. Nhưng sự giúp đỡ của thầy Khang rất đặc biệt, thầy không chỉ giúp về vật chất mà thầy còn dành tình cảm rất lớn cho các em học sinh, cho 22 cháu nhỏ của Làng Nủ. Có thể nói là sâu sắc hơn cả tình ruột thịt, thể hiện ở sự ân cần, nghĩa cử cao đẹp của thầy. Hy vọng tình cảm đó giúp các em học sinh mồ côi cha mẹ, có chỗ dựa vững chắc. Các em sẽ tiếp tục ước mơ trở thành những người tốt sống tử tế và biết giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn”.
Tại Làng Nủ cũ, người dân đã dành một khuôn viên riêng để lưu giữ những hiện vật về cơn lũ quét kinh hoàng. Tại đó, có những chiếc xe đạp mầu hồng gãy gục, những chú gấu bông, đôi dép nhỏ xinh, chiếc cặp đi học tung nắp vùi trong bùn đất… của các em bé Làng Nủ. Trong đó, có những em đã vĩnh viễn ra đi khiến người xem không khỏi xúc động. Nay, Làng Nủ mới đã hồi sinh, những tiếng cười trong trẻo, ánh mắt háo hức của trẻ thơ tại các điểm trường mới tựa như những mầm xanh với sức sống mãnh liệt trên vùng đất từng oằn mình trong cơn bão dữ.
Làng Nủ hôm nay, dưới bầu trời trong xanh và tiếng trẻ thơ rộn ràng, đang viết tiếp câu chuyện về tinh thần tương thân tương ái, ý chí vượt khó và khát vọng tương lai.