Tác giả Thảo Trang sinh năm 1991, tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” (NXB Thanh Niên) của chị có lượng phát hành 4.000 bản trong lần xuất bản đầu tiên. Chị cho biết, đạo diễn Trần Hữu Tấn vô tình biết được tiểu thuyết từ thông tin trên mạng xã hội. Anh đã đề nghị chị chuyển thể thành phim. Trong quá trình thực hiện dự án, để tìm kiếm bối cảnh, đạo diễn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã tới 14 ngôi làng trong tỉnh Hà Giang để tìm ra được không gian ưng ý. “Khi ê-kíp gần như đã chốt ngôi làng thứ 14 rồi, người dẫn đường nói rằng còn có một ngôi làng khác vắng vẻ hơn, cách đó khoảng hai cây số. Cả ê-kíp lại đi. Đến làng Sảo Há, tất cả đều nhận ra: Đây mới là thứ đoàn đang tìm kiếm. Một nơi heo hút, lạnh lẽo, sương mù và hoa đào nở rộ hệt như trong tiểu thuyết”, Thảo Trang chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, gần trăm người đã phải chiến đấu với thời tiết. Có những đêm rét thấu xương, có những ngày nắng nổ lửa. Tác giả nhớ lại: Có những đêm quay khuya, hai giờ sáng mới trở về nơi nghỉ mà tôi thấy mọi người vẫn đang ngồi làm việc, trên tay giữ khư khư chiếc bộ đàm.
“Tết ở làng Địa Ngục” tuy là tiểu thuyết kinh dị nhưng vẫn nói lên mối quan hệ nhân quả trong cuộc đời này. Khi viết “Tết ở làng Địa Ngục”, tác giả đã tìm về rất nhiều khung cảnh làng quê, thôn bản còn giàu đặc trưng truyền thống. Bộ phim được cho là giữ trung thành với nguyên tác đến khoảng 90%. 10% còn lại được thay đổi sao cho phù hợp, cũng như màn kết được trau chuốt để mang đến nhiều hiệu ứng hình ảnh tốt hơn.
Được biết, hiện tác giả Thảo Trang cũng tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim “Kẻ ăn hồn”. Về mặt nội dung, dự án này cũng có liên quan ít nhiều đến “Tết ở làng Địa Ngục”. “Kẻ ăn hồn” là phim điện ảnh mang yếu tố linh dị và hé lộ thêm một số bí mật khác nữa khi kể về thời điểm xảy ra trước thảm nạn của làng Địa Ngục, tập trung nhiều hơn về câu chuyện của bà Phong - bà nội của nhân vật Thập - trưởng làng Địa Ngục.