Tiếp nối du lịch, lễ hội và kỷ niệm

Tổng cục Du lịch vừa ra mắt phiên bản mới tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm triển khai chuyển đổi số đồng bộ với mục đích tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.
0:00 / 0:00
0:00

Nền tảng chuyển đổi số trong quản lý du lịch đã được Tổng cục triển khai thời gian qua như: Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở, Hệ thống thông tin phục vụ điều hành du lịch… Còn trong năm 2022 vừa qua và đầu năm nay, cụ thể các địa chỉ tại Thủ đô đã được hỗ trợ áp dụng hệ thống vé điện tử là: Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý đền Quán Thánh. Tổng cục Du lịch đang làm việc với Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Ban quản lý vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và một số khu, điểm du lịch ở các địa phương khác để tiếp tục áp dụng hệ thống vé điện tử...

Cũng trong những ngày giữa xuân này, Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn năm 2023 vừa khai mạc tối 11/2 (và sẽ kéo dài đến hết 17/2), mang tên “Sắc xuân xứ Lạng”. Trong đó có Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ 2015). Du khách sẽ được tham dự trực tiếp vào “tuần lễ thời trang sống” của đồng bào xứ Lạng (Ban Tổ chức khuyến khích người dân của tỉnh mặc trang phục truyền thống dân tộc mình trong khuôn khổ tuần văn hóa). Ngoài ra, suốt cả tuần lễ sẽ diễn ra liên tục loạt hoạt động đón xuân hấp dẫn như: Giao lưu hát then, sli, lượn; Thi “Lày cỏ” dân tộc Nùng, Tày; Giao lưu biểu diễn múa sư tử mèo, lân rồng; Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng; Hội thi Hương sắc ẩm thực xứ Lạng và các trò chơi dân gian; Liên hoan diễn xướng chầu văn Lạng Sơn mở rộng…

Trở lại thủ đô, cùng trong ngày kết thúc “Sắc xuân xứ Lạng”, là ngày mong chờ của những ai quan tâm đến nhạc cổ điển. Đó là đêm nhạc kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của nhạc sĩ cổ điển tài danh người Nga S.Rachmaninov (1873-1943) sẽ diễn ra tối 17/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật, ông Honna Tetsuji. Tác phẩm chủ chốt được biểu diễn là bản giao hưởng số 2 giọng mi thứ, Op27 của nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninov (tên khác là bản giao hưởng “Bốn mùa”, ra đời năm 1908), đầy tinh thần lãng mạn, giàu giai điệu chân thành và sâu lắng, ước mơ chờ đón mùa xuân về.