Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Thông đường cho điện ảnh thúc đẩy du lịch

Phát huy thế mạnh của điện ảnh để quảng bá văn hóa và phát triển du lịch đã được nhiều quốc gia thực hiện thành công. Song vấn đề này ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ, nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có của đất nước chưa được phát huy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Thôn Hà Cảng (Thừa Thiên Huế) với “cây cô đơn” trở thành địa danh thu hút du khách sau khi phim “Mắt biếc” công chiếu.
Thôn Hà Cảng (Thừa Thiên Huế) với “cây cô đơn” trở thành địa danh thu hút du khách sau khi phim “Mắt biếc” công chiếu.

Học hỏi từ những cách làm thành công

Sở hữu các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, New Zealand là quốc gia được nhiều nhà làm phim nước ngoài ưa thích, tìm đến để thực hiện các cảnh quay. Kết quả là không chỉ các nhà làm phim được hưởng lợi từ doanh thu bán vé, mà quốc gia nơi thực hiện các phân cảnh trong phim cũng nhận được những lợi ích không nhỏ. Thí dụ, với phần lớn bối cảnh được thực hiện tại New Zealand, bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã góp phần thúc đẩy du lịch đến New Zealand với lượng du khách tăng 40% trong giai đoạn 2000-2006, sau khi bộ phim phát hành. Tương tự, bộ phim “Người Hobbit” cũng góp phần “tặng” cho quốc gia này mức tăng trưởng du lịch hơn 13% trong giai đoạn 2011-2014.

Tại châu Á, Hàn Quốc ngày càng được khách du lịch ưa chuộng và tìm đến mà xuất phát điểm chính là từ những bộ phim mà họ đã được thưởng thức trước đó. Điển hình như bộ phim “Bản tình ca mùa đông” đã khiến đảo Nami - được biết đến như “phim trường” của bộ phim này, đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Hàn Quốc. Sau đó, hàng loạt bộ phim đình đám của Hollywood đã lựa chọn để thực hiện nhiều cảnh quay tại đây như “Biệt đội báo thù: Thời đại Ultron” (2012), “Người Sói” (2013), “Người máy biến hình: Kỷ nguyên hủy diệt” (2014)… Thành công về thương mại của những bộ phim này tiếp tục thành cú huých cho phát triển du lịch của Hàn Quốc.

Nhận thấy sức mạnh của điện ảnh trong việc thúc đẩy sự phát triển và quảng bá du lịch, nhiều quốc gia đã nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà làm phim quốc tế. Như tại New Zealand, chính phủ nước này thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính bằng việc hoàn trả tiền mặt lên đến 20% chi phí sản xuất cho các bộ phim điện ảnh và lên đến 25% cho phim truyền hình. Bên cạnh đó Ủy ban phim New Zealand (NZFC) còn sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ vị trí quay phim để giúp các nhà làm phim tìm kiếm các địa điểm quay phim phù hợp. Quốc gia này cũng xây dựng cơ sở hạ tầng và các trung tâm sản xuất phim tiện nghi hiện đại hỗ trợ các nhà làm phim.

Hàn Quốc cũng có chiến lược hỗ trợ ngành công nghiệp phim, từ tạo điều kiện trong thủ tục xin visa cho các thành viên ekip nước ngoài, đến việc Ủy ban phim Hàn Quốc (KFC) hỗ trợ các nhà làm phim quốc tế tìm kiếm các địa điểm quay phù hợp; Hội đồng phim Hàn Quốc (KOFIC) cung cấp chương trình hoàn trả tiền mặt cho các bộ phim quốc tế dao động từ 20 đến 30% của tổng chi phí sản xuất hợp lệ. Thailand - quốc gia có điều kiện tự nhiên khá tương đồng với Việt Nam, đã rất chủ động “trải thảm đỏ” để đón các đoàn làm phim quốc tế. Chính phủ Thailand xây dựng cổng thông tin dành riêng cho việc hỗ trợ đoàn làm phim một cách rõ ràng và chi tiết, giúp cho việc tìm kiếm thông tin được thuận lợi.

Việt Nam - những tiềm năng chờ được khám phá

Là quốc gia có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc sắc, chi phí sản xuất thấp hơn so nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một trong những địa chỉ được nhiều nhà làm phim quốc tế yêu thích và mong muốn được hợp tác. Mới đây, bộ phim “A Tourist’s Guide to love” (Hành trình tình yêu của khách du lịch) của Netflix với những cảnh quay tái hiện sinh động cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam từ Nam ra Bắc đã tạo nên cơn sốt cho cộng đồng mạng. Trước đó, năm 2017, bộ phim “Kong: Đảo Đầu Lâu - Kong: Skull Island” (2017) với nhiều phân cảnh trong thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi công chiếu đã được cộng đồng quốc tế nồng nhiệt đón nhận. Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiệu ứng về những cảnh quay ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình từ bộ phim này không chỉ thu hút một lượng lớn khách du lịch tìm đến mà còn khiến nhiều nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam để khảo sát cho những dự án tương lai.

Điện ảnh không chỉ giúp kích cầu khách du lịch quốc tế mà ngay trong nội địa, hiệu quả này cũng đã được chứng minh trên thực tế. Tiêu biểu có thể kể đến như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với nhiều cảnh quay ở Phú Yên đã giúp thu hút lượng khách đến du lịch tại đây tăng hơn 30% chỉ trong tháng 10 và tháng 11/2015, nghĩa là sau khi bộ phim vừa ra mắt. Năm 2019 bộ phim “Mắt biếc” với nhiều cảnh quay ở đồi Thiên An, cây cô đơn tại thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Thống kê từ Google cho thấy lượt tìm kiếm các địa danh trên tăng lên đến hơn 15 triệu kết quả đặc biệt là lượt tìm kiếm “cây cô đơn” tại thôn Hà Cảng.

Cơ hội để bứt phá

Nhằm tạo điều kiện để phát triển ngành điện ảnh nói riêng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nói chung và quảng bá du lịch quốc gia, hiện nay Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Cụ thể như hỗ trợ về tài chính cho các dự án phim có giá trị nghệ thuật, và văn hóa; giảm giá dịch vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động quay phim; áp dụng mức thuế ưu đãi và miễn thuế đối với nhiều loại hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất phim… Bên cạnh đó thủ tục nhập cảnh và lưu trú cho các đoàn làm phim từng bước được đơn giản hóa.

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực sẵn có, công tác quảng bá có lúc có nơi vẫn chưa đồng bộ, bài bản, chưa thực sự tạo được hấp dẫn. Bên cạnh đó dù đã được đơn giản hóa các thủ tục cho đoàn làm phim quốc tế song quá trình xin cấp phép quay phim tại Việt Nam vẫn mất nhiều thời gian và công sức, làm phát sinh chi phí và làm chậm tiến độ của các dự án nước ngoài. Chưa kể chúng ta vẫn thiếu dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp phim, thậm chí ngay chính các đoàn làm phim của Việt Nam có khi còn phải đi thuê của nước ngoài… Vì những nguyên nhân này nên một số đoàn làm phim quốc tế sau quá trình tìm hiểu, khảo sát đã không lựa chọn Việt Nam để thực hiện dự án của mình. Điều này gây ra không ít nuối tiếc cho các nhà quản lý và giới chuyên môn vì chúng ta đã để lỡ cơ hội quý giá quảng bá văn hóa, đất nước, con người, và thúc đẩy phát triển du lịch quốc gia.

Từ đây đặt ra yêu cầu cần triển khai trong thời gian tới, trước hết là sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và các địa phương trong việc chủ động xây dựng cổng thông tin giới thiệu và quảng bá bằng nhiều thứ tiếng giúp các đoàn làm phim quốc tế và trong nước được tiếp cận các thông tin mới nhất về quy trình, thủ tục, cũng như những bối cảnh đẹp tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp các giấy phép liên quan đến đoàn làm phim quốc tế và trong nước. Tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, việc cấp phép quay phim cần thực hiện cơ chế một cửa, loại bỏ các giấy phép con gây phiền hà. Có biện pháp hỗ trợ phương tiện đi lại, nơi ăn ở, đăng ký tạm trú… đối với đoàn làm phim trong quá trình thực hiện dự án. Nói như đạo diễn Aaron Toronto (Mỹ): “Sự gắn kết dẫn tới cất cánh”, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh sẽ mở ra những cơ hội để phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 vừa diễn ra tại Khánh Hòa đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận. Cùng với tiềm năng phát triển du lịch, việc mời gọi các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam cũng là cơ hội cho các nhà làm phim trong nước có thể học hỏi những kỹ thuật, kinh nghiệm làm phim hàng đầu thế giới. Nhưng việc khai thác nguồn lực đất nước trong các hoạt động điện ảnh trên thực tế vẫn còn hạn chế, chưa thực sự xứng tầm.