Thiếu chính sách cho di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh

Đây là nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về một trong những nội dung chưa hoàn thành của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Còn thiếu chính sách đối với các nghệ nhân dân gian.
Còn thiếu chính sách đối với các nghệ nhân dân gian.

Thủ tướng đã biểu dương những kết quả đạt được đáng ghi nhận của ngành trong năm 2023. Đó là luôn bám sát và triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Ngành du lịch về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Với tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt). Cho tổng thu ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ tư được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023…

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ ra những mặt còn hạn chế cần khắc phục trong các hoạt động của ngành. Cụ thể như, chưa xây dựng được Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Thể chế, cơ chế, chính sách cho VHTT&DL chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu; còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước…

Những bất cập còn tồn tại như các khu vực thành thị thì thiếu quỹ đất, nông thôn thì thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao quần chúng. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong đào tạo, huấn luyện vận động viên, nhất là vận động viên có trình độ cao còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hay việc ngành VHTT&DL còn có một số vụ việc phức tạp để kéo dài (như ở Khu Liên hợp thể thao quốc gia, Hãng Phim truyện Việt Nam…), gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận…

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cần tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam, vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.