Thi sĩ Nguyễn Anh Vũ: Một thực hành văn hóa

Nguyễn Anh Vũ sinh năm 1974, một người Hà Nội tài hoa, đa năng. Cộng thêm nhiệt huyết nên năng lực, phẩm chất ấy “làm khổ” anh với những “dan díu” nghề nghiệp và đồng nghiệp không có điểm dừng. Nhưng ngẫm lại, trong cuộc đời đã sớm dừng lại đầy bất ngờ vào ngày 9/10 vừa qua, nó cũng giúp cho anh được thường xuyên sống thăng hoa và trọn vẹn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thi sĩ Nguyễn Anh Vũ trình diễn thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ 2010.
Thi sĩ Nguyễn Anh Vũ trình diễn thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ 2010.

1/Mười mấy năm qua, Vũ vừa cần mẫn, vừa tung tẩy làm bìa sách cho đối tác, bạn hữu, chủ yếu là sách văn học. Nhiều bìa để thêm thu nhập, nhiều bìa hào hiệp tặng, mà làm cho người thì cũng nắn nót, miệt mài như cho mình, nên gieo niềm cảm kích cho các tác giả. Tiếc là chính anh lại chưa có cái bìa sách nào đúng nghĩa là chiếc áo đẹp cho cuốn sách riêng mình.

Về việc đó, Vũ kỹ tính nên khắt khe với bản thân, cho đến nay vẫn chưa in riêng cuốn sách nào. Phần chăm chỉ, anh dành hết vào những công việc liên tiếp. Từng một thời dài đêm “cày”, ngày ngủ, Vũ lao lực với những mẫu thiết kế nhà, mẫu thời trang, tranh sáng tác. Ngoài nghề kiến trúc được đào tạo, Vũ còn say mê tìm hiểu sân khấu, tham gia thể hiện mỹ thuật một số vở diễn, biên tập kịch bản, đã bắt tay vào sáng tác kịch nói. Những tháng ngày cuối trong năm 2023 này, anh còn ấp ủ và đã đi thực tế một số vùng nông thôn để gợi hứng cho kịch bản phim mượn ý tưởng từ vở chèo “Lưu Bình Dương Lễ”.

Đó là những gì còn dở dang, còn đang bắt đầu của một người nếu được đào tạo nghề diễn thì chắc cũng sẽ quăng mình “nốt” vào những số phận trên sàn diễn. Vũ có giọng đọc như… kịch, như… nhà đài, dày, trầm ngọt, âm vang, đầy tâm trạng, mà nhiều người lấy làm tiếc anh không đọc kịch truyền thanh hay lời bình phim tài liệu.

2/Nhưng không thể không có gì đọng lại lâu dài hơn. Vũ có nhiều bài thơ thiết tha sống và ngẫm ngợi, liền với những phút lóe sáng của nhận ra, nó kéo theo nhiều hình ảnh phóng khoáng và bùng phá cảm xúc. Vũ có một số truyện ngắn tràn đầy dữ liệu văn hóa với ngòi bút miêu tả kỹ lưỡng, ngôn từ trau chuốt, bao trùm cái cốt lõi nhân bản của tình yêu con người, tôn kính lịch sử và quý trọng những nét đẹp của lối sống, nếp người, tập quán. Cả thơ và truyện, Vũ đều đã có giải cao của tạp chí Văn nghệ quân đội.

Hơn hai năm gần đây, anh lại cuốn theo hàng loạt tản văn kể chuyện ăn uống cầu kỳ, thanh thoát mà vẫn giản dị, chân thật trong phố Hà Nội một thời dài, còn lưu được đến hôm nay, bát bún thang sắp xếp các thức lên nhau chút một như đóa hoa, tấm lá tươi gói lại nắm hoa cúng, mấy món cà muối, cá kho… chuẩn chỉnh còn bán ở chợ Hàng Bè… Cũng không chỉ viết không, chính tay Vũ nấu nhiều món ngon Hà Nội cho bố mẹ. Tản văn đăng báo, đăng Facebook cá nhân, bạn đọc, bạn viết, văn nghệ sĩ đọc anh, trao đi đổi lại nhiều điều, anh ngày càng có thêm nhiều người quý mến.

3/Những năm qua, tài hoa, lòng mê sống trải mình, sống đẹp cuốn Vũ theo các chuyến đi, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Ninh, Phú Yên, Tây Nguyên… Bạn bè văn nghệ đón chào anh nhiệt thành, bởi trong Vũ đầy trữ lượng của trải nghiệm và hăm hở sáng tạo, lại sớm hòa đồng, hào sảng như chủ nhà. Gia đình trong phố Hà Nội với tuổi thơ từng trải không ít thăng trầm, thể trạng càng về sau càng không được khỏe, nhưng bạn bè thấy anh hầu như không khi nào bực dọc, buồn chán, ca cẩm, mà xuất hiện là điệu đà, lạc quan, nung nấu những ý chí làm việc, ý tưởng sáng tác và niềm vui thưởng thức cuộc sống.

Cả cuộc đời sớm dừng lại của mình, thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Vũ đã sống bằng một cuộc thực hành văn hóa, nghệ thuật say mê. Và chính niềm mê đắm cái đẹp, ý thức nâng niu, gìn giữ văn hóa dân tộc, di sản quê hương mà anh bộc lộ thường trực qua ăn nói, phong cách, nếp sống, qua những thành quả sáng tạo của mình, là những nhắc nhở không lời và thân mật với bạn bè, đồng nghiệp. Ý tưởng chung của bạn bè cho cuốn sách tập hợp tác phẩm của anh mai này, sẽ là hiện diện rõ ràng, chắc chắn và tinh tế, cho lời nhắc sống đẹp, sáng tạo đẹp, dù ngày ra mắt cuốn sách đó, không có anh.

Có lẽ, phần “thiệt thòi” không được theo nghề diễn, Nguyễn Anh Vũ “bù” vào Sân thơ Trẻ. Nhiều năm anh cộng tác với Ban nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, góp phần quan trọng vào cả bộ mặt và nội dung trên sân Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội những Ngày thơ Việt Nam. Anh vẽ sân khấu, dàn dựng cho các đồng nghiệp thơ trẻ những tiết mục trình diễn thơ, với nhạc, với múa, với những tương tác là lạ. Và anh cũng nhập cuộc trên sân khấu, giúp nhiều người xem thêm hào hứng được nghe thơ, “nhìn” thơ ở một dạng thức khác truyền thống.