Thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp sớm phục hồi

Sau gần một tháng cơn bão số 3 đổ bộ và tàn phá, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu được tiếp cận nguồn lực hỗ trợ công cuộc tái thiết sau những thiệt hại nặng nề.
Ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài chính cho người dân và doanh nghiệp trước thiên tai.
Ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài chính cho người dân và doanh nghiệp trước thiên tai.

Tín dụng ưu đãi giúp doanh nghiệp vượt khó

Nửa tháng sau khi bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, thủy điện Nậm Lúc (Lào Cai) vẫn chưa có điện trở lại để bơm nước, bơm bùn ra khỏi hầm. Sạt lở nghiêm trọng đã khiến khu điều hành công trình bị san phẳng. 5 cán bộ, nhân viên thiệt mạng. Ước tính thiệt hại về tài sản, hạ tầng lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính tới thiệt hại do dừng vận hành để sửa chữa trong thời gian tới.

Trước những khó khăn này, nhà máy đã được giảm lãi suất vay vốn cũ 10 tỷ đồng và ưu đãi vay vốn mới để đầu tư lại máy móc, khôi phục lại hoạt động.

Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành Thủy điện Nậm Lúc cho biết, nhà máy được tiếp cận với chính sách tài chính rất tích cực. Đó là mức giảm 50% lãi phải trả trong 4 tháng cuối năm 2024. Đặc biệt hơn, gói vay 50 tỷ đồng ưu đãi 4,5% cố định với doanh nghiệp. Ông cho rằng, đây là điểm tựa về tài chính rất hiệu quả để nhà máy có thể sớm khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Miễn, giảm lãi vay và tiếp tục được vay vốn mới với lãi suất thấp là mong muốn của nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão số 3. Công ty TNHH MTV Văn Tịnh là một trong những doanh nghiệp thuộc diện này. Doanh nghiệp bị sập kho nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng và toàn bộ trang thiết bị, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng đã giảm 30% lãi vay. Ông Bùi Xuân Tịnh, Giám đốc công ty cho biết, với mức lãi vay ưu đãi này, doanh nghiệp có thể bớt đi gánh nặng tài chính để dồn nguồn lực đầu tư lại hệ thống nhà xưởng, thiết bị, đồng thời lên phương án kinh doanh. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để trả nợ cho ngân hàng trong vòng 12 tháng tới”, ông Tịnh nói.

Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ngành ngân hàng đã rất tích cực trong việc triển khai nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó thể hiện sự sẻ chia và đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Doanh nghiệp có khỏe thì ngân hàng mới hoạt động tốt. Phương châm này đã được áp dụng phổ biến sau khi bão số 3 đi qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đến nay đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền là 405 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Một số ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do không có tài sản thế chấp, đặc biệt là thiệt hại sau bão càng không có tài sản bảo đảm, nên khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Vì thế, các cơ quan quản lý cần sớm triển khai thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng, khuyến khích các ngân hàng ứng dụng công nghệ để nâng cao tiện ích, giảm bớt thủ tục vay vốn…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận chính sách hỗ trợ, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chính sách tiếp cận đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, các thủ tục về cấp phép đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, nhập khẩu và mua sắm trang thiết bị… cũng cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Đồng thời, các chính sách cần tính đến đặc thù và mức độ thiệt hại của từng lĩnh vực. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ngành nuôi trồng thủy, hải sản tại Hải Phòng, Quảng Ninh chịu thiệt hại rất nặng nề, nhiều doanh nghiệp mất trắng thì cần có những giải pháp mạnh hơn, cơ chế riêng lâu dài hơn để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp sớm phục hồi ảnh 1

Miễn, giảm lãi vay và tiếp tục được vay vốn mới với lãi suất thấp là mong muốn của nhiều

doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão số 3. Ảnh: NAM NGUYỄN

Tiếp cận nguồn lực từ bảo hiểm cao nhất trong lịch sử

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, bảo hiểm là một trong những kênh hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả cho công cuộc tái thiết sau bão, lũ của nhiều doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, từ năm 2017 trở về trước, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm do tổn thất bão, lũ gây ra chỉ chiếm 3-4% tổng thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu do số tài sản, đối tượng tham gia bảo hiểm thấp. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khoảng 17,5% trong bão Yagi vừa qua; là nguồn lực đáng kể hỗ trợ công cuộc tái thiết sau thiên tai...

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, tính đến ngày 20/9, số vụ thiệt hại được các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận hơn 9.000 vụ tổn thất có yêu cầu bảo hiểm liên quan bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới… và bảo hiểm nhân thọ, tổng số thiệt hại ước tính lên đến 9.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về vai trò của bảo hiểm đối với công cuộc tái thiết sau bão, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, bảo hiểm là một yếu tố hỗ trợ rất lớn trong việc tái thiết sau bão, lũ nhưng ít được nhắc tới.

“Theo thông lệ trên thế giới, nguồn lực đóng góp cho tái thiết đầu tiên là bảo hiểm. Lấy thí dụ, ở Mỹ, cơn bão Katrina gây thiệt hại 120 tỷ USD, riêng đóng góp của bảo hiểm là hơn 40 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào quá trình phục hồi tài sản cho người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.

Vì vậy, theo ông Hùng, một trong những bài học mà nhiều người dân và doanh nghiệp có thể học được sau bão số 3 chính là chú trọng hơn tới vai trò bảo hiểm. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc phát triển một thị trường bảo hiểm lành mạnh và hiệu quả.